Singapore: Hỗ trợ 60 triệu đồng nếu bỏ xe máy cũ

VOVGT - Chính phủ Singapore thông qua kế hoạch trợ cấp 3.500 đô la Singapore (tương đương 60 triệu đồng) nếu người dân bỏ xe máy cũ...


Xe máy thường xuyên bị kiểm tra khí thải và tiếng ồn tại Woodlands và Tuas (Ảnh: Channel News Asia)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tháng tư này, chính phủ Singapore thông qua kế hoạch trợ cấp 3.500 đô la Singapore (tương đương 60 triệu đồng) nếu người dân bỏ xe máy cũ, không đạt tiêu chuẩn khí thải và gây ô nhiễm. Ước chừng, tổng số xe máy cũ khoảng 27.000 chiếc.

Để nhận được gói hỗ trợ trị giá 3.500 đô la Singapore (tương đương 60 triệu đồng), chủ xe phải cam kết không gia hạn quyền sử dụng sau ngày 07/04/2018 và không gia hạn đăng ký xe trước 05/04/2023.

Nếu chủ xe tiếp tục gia hạn quyền sử dụng phương tiện sau ngày 07/04/2018 và không gia hạn đăng ký xe trước 05/04/2023, họ chỉ được nhận trợ cấp 2.000 đô la Singapore (tương đương 35 triệu đồng).

Chia sẻ thêm thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Singapore, ông Masagos Zulkifli cho biết:

“Một bộ phận người dân sẽ phản ứng về chính sách loại bỏ xe cũ này, tuy nhiên, theo kế hoạch, người dân vẫn có ít nhất 5 năm để đưa ra quyết định huỷ đăng ký xe máy cũ và 5 năm sử dụng xe. Chúng tôi tin rằng mọi người sẽ nhận ra ảnh hưởng của những chiếc xe gây ô nhiễm này. Theo các báo cáo gần đây, rất nhiều xe máy cũ thải ra một lượng lớn Hydro Carbon và Carbon Monoxide, chúng đang trực tiếp góp phần phá hoạt sức khoẻ của mọi người”


Nhiều phương tiện không đạt chuẩn đã bị thu giữ (Ảnh: MediaCorp)

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) vừa tạm giữ 197 xe máy không đạt chuẩn khí thải vào cuối tháng 3 vừa qua. Cơ quan này đã dựng hai trạm kiểm soát Woodlands và Tuas để đo khí thải và tiếng ồn đối đối với các phương tiện vào thứ hai và thứ ba hằng tuần.

Trước đó, năm 2017, cơ quan này cũng đã xử phạt 442 phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải và 163 trường hợp không đạt tiêu chuẩn tiếng ồn. Những trường hợp vi phạm này có thể bị xử phạt tới 5.000 đô la Singapore (tương đương 87 triệu đồng).

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường Singapore (NEA), mặc dù số lượng xe máy lưu thông chỉ chiếm 15% tổng số phương tiện, nhưng chúng lại chiếm tới 53% tổng lượng carbon monoxide (CO) tại Singapore.

Ngoài ra, xe máy đăng ký trước ngày 01/07/2003 phát thải ô nhiễm gấp 30 lần so với những mẫu xe thế hệ mới. Đồng thời, những chiếc xe này sẽ bị cấm lưu thông từ 01/07/2018.


Công tác đo tiếng ồn và khí thải đối với các xe máy không đạt chuẩn (Ảnh: Channel News Asia)

Trước quy định này, ông Marco Xu – Kỹ sư phần mềm và là quản trị viên của nhóm chơi xe cổ tại Singapore cho biết:

“Gần 1.000 xe máy của nhóm sẽ bị ảnh hưởng, những chiếc xe trong nhóm đều được các thành viên sưu tập và đầu tư không ít tiền. Mẫu xe hiếm như Ducati MH900e có giá từ 45.000 tới 60.000 đô la Mỹ(khoảng từ 1 tới 1,3 tỷ đồng)cũng sẽ bị loại bỏ theo quy định mới”.

Cũng là một nhà sưu tập mô tô và xe máy, ông Erwin Shazreen than thở:

“Từ hồi còn bé, tôi luôn mơ ước sở hữu một chiếc Harley Davidson, nay tôi đã có nó, tuy nhiên, với những quy định mới này, tôi thực sự buồn khi chiếc xe phiên bản 1994 này sẽ bị loại bỏ vào năm 2028…”

Theo công ty xe máy Speedway Motor và Soon Hin, sẽ không nhiều chủ sở hữu chấp nhận khoản trợ cấp 3.500 đô la Singapore và loại bỏ chiếc xe của họ.

Dù rằng chính sách mới này của chính phủ Singapore còn gây nhiều tranh cãi và chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ những người sở hữu xe máy, nhưng đây cũng là cơ hội để Singapore giảm thiểu khí thải ô nhiễm từ các phương tiện giao thông không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, chính sách này cũng có thể xem là cơ hội đẩy mạnh hoạt động giao thông công cộng.

Tại Việt Nam, với số lượng xe máy cũ lên tới 2,5 triệu chiếc tại Hà Nội và 2,7 triệu chiếc tại HCM, chính quyền đã và đang hoàn thiện các quy định và kế hoạch loại bỏ xe máy cũ. Dự kiến, tới tháng 1/2019, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải xe máy sẽ hoàn thành nhằm loại bỏ xe máy cũ nát.

Mô hình trợ cấp của Singapore cũng có thể xem là phương pháp hiệu quả để giảm thiểu xe máy cũ, tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình này tại các đô thị lớn ở Việt Nam, liệu có khả thi?