Singapore: Bắn tốc độ xe đạp điện để phạt nặng

VOVGT - Đầu tháng 5 này, giới chức Singapore siết chặt quy định quản lý đối với người đi xe đạp, xe máy điện cẩu thả, vượt quá tốc độ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đầu tháng 5 này, giới chức Singapore siết chặt quy định quản lý đối với người đi xe đạp, xe máy điện cẩu thả, vượt quá tốc độ. 

Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) vừa công bố luật “Di chuyển tích cực”, có hiệu lực từ ngày 1/5, quy định những loại đường mà người đi xe đạp điện, xe máy điện được sử dụng và giới hạn tốc độ.

Theo đó, vận tốc tối đa các xe này được phép di chuyển trên đường dành cho người đi bộ là 15km/h và 25km/h trên đường kết nối trong công viên hoặc các đường chia sẻ. Ngoài ra, các phương tiện này không được nặng hơn 20 kg, tốc độ không vượt quá 25km/h và bề rộng không lớn hơn 70cm.

Những người vi phạm lần đầu có thể bị phạt tới 1.000 đô la Mỹ (hơn 22 triệu đồng) hoặc phạt tù tới 3 tháng; hoặc cả hai. Những người tái phạm, sẽ đối mặt với mức phạt hành chính và phạt tù gấp đôi. Ngay trong ngày đầu ra quân, cơ quan chức năng đã thu giữ 8 phương tiện do cân nặng trung bình hơn 30kg.

Ông Willy Soo, Giám đốc Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore cho hay: “Chúng tôi vẫn tiếp tục tuần tra kiểm soát tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên từ 1/5 trở đi, sẽ có khoảng 60 cảnh sát thường xuyên chốt chặn tại các điểm nóng để xử lý người vi phạm”.

Đồng thời, Cơ quan Giao thông đường bộ còn trang bị cho giới chức thực thi pháp luật súng bắn tốc độ chuyên dụng để phát hiện người đi xe đạp điện vi phạm giới hạn tốc độ.

Súng bắn tốc độ xe đạp điện có tầm hoạt động lên tới 1km, được trang bị camera ghi hình. Ngoài ra cơ quan này cũng trao thêm quyền lực cho đơn vị chức năng để sẵn sàng đối phó với những người cố tình vi phạm.

Bà Kamari, một người dân Singapore chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lo lắng mỗi khi nhìn những chiếc xe đạp, xe máy điện lưu thông với tốc độ cao trên đường. Dường như những người điều khiển chúng không nghĩ rằng ngoài việc có thể gây chấn thương cho chính bản thân, họ còn có thể gây phiền toái hay tai nạn cho những người xung quanh. Theo tôi, điều luật mới có thể góp phần hạn chế được điều này”.

Theo thống kê, trung bình mỗi tuần có khoảng 3 vụ tai nạn giao thông liên quan tới người điều khiển xe đạp, xe máy điện. Riêng từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2017, có tới 110 vụ tai nạn được ghi nhận.

Bà Kerri Anne, 45 tuổi, một bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu tại Singapore chia sẻ: “Tôi nghĩ xe đạp, hay xe máy điện cũng có mặt tích cực là khá thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được tốc độ, các phương tiện này nhiều khi gây ra những tai nạn hết sức nghiêm trọng đặc biệt với người đi bộ. Không chỉ là những chấn thương thông thường như trầy xước hay gãy tay, chân mà đôi khi còn có thể nguy hiểm tới tính mạng”.

Không chỉ tăng chế tài xử phạt người vi phạm, luật “Di chuyển tích cực” còn siết chặt quản lý đối với các nhà bán lẻ. Theo đó, các cửa hàng bị cấm bán những phương tiện không dán hiển thị cảnh báo tốc tộ và một số quy định khác trên thiết bị.

Các nhân viên bán hàng cũng được đề nghị phải hướng dẫn cụ thể đồng thời khuyến cáo người mua về việc sử dụng đúng thiết bị.

Tại Việt Nam, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, xe đạp điện có vận tốc thiết kế lớn nhất chỉ là 25km/h. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người khi mua xe đạp điện có thói quen kích tốc độ xe lên đến 40km, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Bên cạnh đó, xe đạp điện khi di chuyển hầu như không phát ra tiếng động, khiến các phương tiện xung quanh không kịp phát hiện để chủ động xử lý. Trên thực tế đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan tới loại phương tiện này.

Chính vì vậy,bên cạnh công tác tuyên truyền, việc tăng chế tài xử phạt nhằm nâng cao ý thức người đi xe đạp điện cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu. Đồng thời cũng cần khuyến cáo khi sử dụng xe đạp điện cần đội mũ bảo hiểm, chấp hành đúng quy định an toàn giao thông, không được chở nhiều người, đi tốc độ cao...