Sau vụ lộ thông tin sản phụ ở Từ Dũ, nhiều chị em giật mình vì đã từng là "nạn nhân"

Sau vụ lộ thông tin sản phụ ở Bệnh viện Từ Dũ, Tp.HCM, nhiều chị em giật mình vì đã từng là "nạn nhân". Tình trạng lộ, lọt số điện thoại và các thông tin cá nhân của sản phụ xảy ra từ nhiều năm nay và ở hầu khắp các bệnh viện công lập và tư nhân.

Giờ con trai đã gần 8 tháng nhưng chị Nguyễn Thị Khanh, ở Quảng Ninh vẫn nhớ như in cảm giác mệt mỏi khi bất ngờ nhận được những cuộc gọi điện, tin nhắn từ những số máy lạ ngay thời điểm chị vừa hạ sinh tại một bệnh viện sản trên phố Tràng Thi, Hà Nội:

"Tôi có nhận được những cuộc chào mời, vừa đẻ xong được mấy tiếng, đến buổi sáng hôm sau đã nhận được bên dịch vụ họ chào mời dịch vụ massage cho mẹ và dịch vụ thông tắc tia sữa… khi  ra viện.

Lúc đó bản thân còn rất là mệt. Thực ra mình không biết lộ thông tin khi nào bởi vì mình có đăng ký sinh tại viện và lúc đó có đăng ký số điện thoại sau đó có các bạn y tá, điều dưỡng đến hỏi các dịch vụ ở viện, mát xa cho bé, thông tắc tia sữa cho mẹ mình có để lại thông tin khi đó", chị Khanh nói.

Nằm ở bệnh viện sau sinh mổ, chị Thu Hoài cùng nhiều sản phụ cảm thấy bối rối khi nhận được lời khuyên của bác sỹ và những lời mời chào mua các sản phẩm phục vụ cho phụ nữ sau sinh với giá không rẻ:  "Tôi thấy có nhiều lời mời chào. Và bác sĩ khuyên những sản phụ sinh mổ nên mua sữa để có thể uống sau khi sinh. Khi xuống hiệu thuốc, hiệu thuốc sẽ tư vấn và chỉ định mua. Giá rất cao. Ngoài sữa ra còn có rượu gừng, rượu nghệ. Giá rất cao, tầm cả 2 sản phẩm 700 nghìn đồng, nhưng tôi không mua".

Ban đầu, khi mới nhận được 1 vài cuộc gọi điện mời chào sử dụng các dịch vụ cho mẹ và bé và mua sữa cho em bé, chị Mai Trang ở quận Đống Đa, Hà Nội không để ý nhiều. Nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại từ 6 tháng nay khiến chị cảm thấy khó chịu, phải chặn các số liên lạc. Cũng như nhiều sản phụ khác, chị Trang cảm thấy băn khoăn về tính bảo mật các thông tin cá nhân ở các bệnh viện.

Chị Trang cho biết thêm: "Sau sinh tôi cũng có nhận được một vài lời mời. Khoảng 1 tháng sau sinh có người gọi điện thoại hỏi thăm em bé. Sau đó họ quảng cáo mua sữa, chăm sóc mẹ bầu sau sinh, đăng ký mua sữa theo năm.

Khi khám, tôi chỉ cung cấp số điện thoại cho bên đăng ký khám thôi. Lúc đăng ký nhập viện mới ghi số điện thoại. Không rõ vì sao các bên lại có số điện thoại".

Ảnh nh họa 

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông,  tình trạng sản phụ nhận được các tin nhắn, cuộc gọi mời chào sử dụng các dịch vụ này diễn từ nhiều năm nay, không chỉ ở các bệnh viện công lập mà ngay cả các bệnh viện tư nhân có dịch vụ sinh trọn gói từ vài chục triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động thương binh và xã hội phân tích, quá trình vượt cạn, phụ nữ tốn rất nhiều sức lực, có những trường hợp đối mặt khoảng thời gian sinh khó khăn, cần phải được nghỉ ngơi. Những cuộc gọi, tin nhắn chào mới dịch vụ có thể coi là hình thức gây rối loạn tâm trí, bạo hành tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sản phụ.

Bác sĩ Trọng An cho rằng, hành vi để lộ, lọt thông tin của các bà mẹ, trẻ sơ sinh vi phạm các quy định hiện hành: "Như vậy các thông tin về trẻ em đã bị từ bệnh viện, từ khoa phụ sản lộ ra bên ngoài. Như vậy vi phạm các quy định về trẻ em và Luật khám chữa bệnh. Tất cả các thông tin về bệnh tật, giới tính của trẻ em đều phải giữ bí mật, không được để lộ ra.

Đây là vi phạm và xem xét lại thông tin bị lộ ra ở đâu và có các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc vì đây là vi phạm. Phải xem xét lại, thiết chế lại, siết kỷ luật bệnh viện.Đặc biệt những cán bộ chịu trách nhiệm quản lý về trật tự".

Nhiều ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng lộ thông tin cá nhân của các sản phụ, các bệnh viện cần phải nhanh chóng rà soát lại quy trình quản lý thông tin cá nhân, tìm ra nguyên nhân lộ lọt thông tin, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, bệnh viện cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện mã hóa số điện thoại và yêu cầu các cán bộ y tế phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật khám chữa bệnh.

Về phía các sản phụ và người nhà cũng cần đề cao cảnh giác, không cung cấp số điện thoại cho các dịch vụ, các cửa hàng mua bán các sản phẩm, đồ dùng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.