Sau vụ cháy tại Bình Dương: Người bất an, người vẫn vẫn vô tư đi hát

Vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến hơn 30 người thiệt mạng đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy vậy, phản ứng của khách hát cũng khá khác nhau trước vụ việc. 

Hàng loạt vụ cháy quán karaoke liên tiếp xảy ra trong thời gian qua tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến người dân cảm thấy bất an, bởi ca hát là niềm vui, với một số người còn là đam mê, số khác là những cơ hội công việc gắn với dịch vụ này.

Chị Phạm Anh Thư, ở Hoàng Mai, Hà Nội thường đi hát karaoke cùng bạn bè, đồng nghiệp đôi tháng một lần. Đây là thói quen được duy trì từ hồi sinh viên, với niềm yêu thích các hoạt động văn nghệ. Tuy nhiên, vụ cháy kinh hoàng tại Bình Dương khiến chị cùng bạn bè phải nghĩ đến việc thay đổi hình thức giải trí:

"Hình thức hát tại nhà hay thu âm, đầu tư như thế thì không phải ai cũng làm được, cũng không tạo được không khí như khi mình đi ra quán hát. Hầu hết người xung quanh mình đều thích dịch vụ này và có thể gọi là cần thiết.

Mình cũng như các bạn trong nhóm của mình cũng hơi lo lắng, hoang mang, kiểu như là lần tới mình đi có thể xảy ra sự việc như thế hay không? Thời gian tới chắc chỉ đi ăn liên hoan thôi, còn karaoke thì từ từ, hoãn lại đã".

Còn với anh Trần Ngọc Thanh, làm việc tại một công ty xuất khẩu lao động ở huyện Gia Lâm, karaoke không chỉ là một hình thức giải trí mà còn liên quan mật thiết đến công việc của anh là chăm sóc đối tác và khách hàng: "Khách của mình chủ yếu là người Nhật, ở bên Nhật thì hát karaoke rất là bình thường. Vừa có vụ cháy như thế thì chắc chắn tâm lý của mình và của khách sẽ lo sợ. Đã xảy ra rất nhiều vụ cháy karaoke rồi.

Vấn đề phòng cháy chữa cháy sau một thời gian đâu lại vào đấy. Bây giờ, nếu không đi karaoke nữa thì mình phải sắp xếp các phương án, đưa khách đi chơi những địa điểm khác, ảnh hưởng đến công việc của mình rất nhiều".

Hiện trường vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương

Không chỉ những người làm công việc chăm sóc khách hàng, hoạt động của các quán karaoke còn liên quan mật thiết với nhiều ngành nghề khác, trong đó có những tài xế taxi, người lái xe ôm chở khách, … Anh Lê Văn Tuấn, lái xe taxi khu vực Lâm Du - Cổ Linh cho biết, dù vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương gây chấn động dư luận, những tối qua, anh vẫn nhận được những cuốc khách chở đến quán hát. Những vị khách này vẫn nghĩ chuyện cháy nổ ở đâu đó rất xa xôi chứ khó xảy đến với họ:

"Vẫn hoạt động, nói chung là thủ tục người ta vẫn tuân theo những quy định của nhà nước. Nói chung mình chở khách thấy không e ngại gì về cháy cả", anh Tuấn nói.

PGS. TS. Nguyễn Văn Tiệp, nguyên Trưởng Khoa Nhân học, Trường đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, vụ việc tối 6/9 tại Bình Dương là rất đau lòng, nhưng cũng là lúc để cơ quan chức năng các địa phương siết chặt việc kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy, để hoạt động karaoke phục vụ tốt nhu cầu của một bộ phận người dân.

"Karaoke là văn hóa đại chúng, nhu cầu thiết thực của đại đa số người dân. Với số người chết đông như thế thì rõ ràng nó tác động lớn đến xã hội. Người ta bất an, lượng người đến quán karaoke sẽ giảm đi, như vậy sẽ tác động đến thu nhập của các chủ quán, mà những chủ quán làm ăn đàng hoàng cũng chịu ảnh hưởng.

Phải kiểm tra lại toàn bộ quán karaoke hiện nay, quán nào không đạt yêu cầu cho dừng ngay. Thứ hai, khi đã hoạt động, số lượng người bao nhiêu, thời gian bao nhiêu,… phải có quản lý chặt chẽ. Phải truy xét đến cùng, nếu cần thì phải đưa ra truy tố trước pháp luật", PGS. TS. Nguyễn Văn Tiệp nói.