Sau COVID-19, giờ cao điểm tại Mỹ thay đổi như thế nào?

Một nghiên cứu mới đây cho thấy tuần làm việc 40 giờ đã không còn tồn tại - ít nhất là khi nói đến việc đi lại; khi ngày càng nhiều hình thức làm việc linh hoạt, giờ làm việc truyền thống của người Mỹ từ 9 giờ sáng - 5 giờ chiều đã chuyển sang 10 giờ sáng - 4 giờ chiều.

 

Theo báo cáo của INRIX Inc., một công ty phân tích dữ liệu giao thông, được công bố vào tháng 6 cho thấy ít chuyến đi vào sáng sớm hơn và nhiều chuyến đi vào buổi trưa hơn so với mô hình giao thông trước đại dịch. Ngày làm việc đang trở nên ngắn hơn.

Giờ làm việc truyền thống của người Mỹ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã chuyển sang 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Ảnh: Getty Images

Hiện nay người lao động đang không mặn mà với các yêu cầu trở lại văn phòng, và nhiều người có xu hướng “coffee badging”, thuật ngữ xuất hiện đầu năm 2024 nhằm mô tả những người đến văn phòng chỉ chấm công hoặc có mặt trong vài giờ rồi ra về trước giờ cao điểm để làm từ xa.

Sau 10 năm lãng phí thời gian lái xe 2 giờ một ngày để tới chỗ làm việc, cô Kathleen Luu đã tìm cho mình một công việc mới cách nhà chỉ 15 phút lái xe và có thời gian làm việc linh hoạt để tránh khỏi cảnh ùn tắc.

“Tắc đường thật khủng khiếp. Mất rất nhiều thời gian. Thành thật mà nói tôi cảm thấy thời gian đó sẽ hữu ích hơn dành để đi ra ngoài chơi hay dành cho gia đình. Chôn chân trên đường phố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của tôi, khiến tôi chán nản và mệt mỏi”, cô Kathleen Lu chia sẻ.

Nghiên cứu mới cho thấy tuần làm việc tiêu chuẩn 40 giờ đã không còn nữa. Giờ làm việc truyền thống của người Mỹ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã chuyển sang 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Báo cáo của INRIX cũng phát hiện ra rằng hiện nay có "giờ cao điểm vào buổi trưa". Dữ liệu quốc gia cho thấy nhiều chuyến đi bắt đầu vào buổi trưa hơn là lúc 8 giờ sáng, với số lượng chuyến đi đến và đi từ văn phòng vào buổi trưa gần bằng số lượng chuyến đi vào lúc 9 giờ sáng và 5 giờ chiều.

Nghịch lý thay, sự gia tăng các chuyến đi vào buổi trưa không xóa bỏ được tình trạng chậm trễ vào giờ cao điểm ở hầu hết các thành phố.

Hậu quả là tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng đột biến trong suốt giờ cao điểm giữa trưa và buổi tối.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng đột biến trong suốt giờ cao điểm giữa trưa và buổi tối. Ảnh: The Seattle Times

Bob Pishue, một nhà phân tích giao thông và là tác giả của báo cáo cho biết: "Hiện nay theo xu hướng làm việc mới, mọi người dành ít thời gian đi làm vào buổi sáng hơn, ít thời gian đi làm vào buổi tối hơn và nhiều hoạt động vào buổi chiều hơn. Đây là trạng thái bình thường mới".

Trước đó, báo cáo về giao thông toàn cầu năm 2023 của INRIX cũng chỉ ra rằng, lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều đã trở lại mức trước đại dịch tại nhiều khu vực đô thị của Mỹ.

Tuy nhiên, điều mà INRIX thấy "đáng kinh ngạc" nhất là lưu lượng giao thông vào giữa trưa đã tăng trung bình 23% và hiện lớn hơn nhiều so với giờ cao điểm buổi sáng, và gần bằng giờ cao điểm buổi chiều vào khoảng giữa trưa.

Đáng chú ý, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm việc tại nhà lái xe nhiều hơn mỗi ngày so với những người đi làm.

Jiaqo Ma, Viện nghiên cứu giao thông UCLA cho biết làm việc từ xa không nhất thiết sẽ giúp giảm việc di chuyển trên đường: “Chúng ta vẫn phải chứng kiến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Thay vì đến chỗ làm, nhiều người lựa chọn ra đường để đi tới nhà hàng nhiều hơn hay tham gia các hoạt động khác”.

Lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng tại các khu vực đô thị của Mỹ giảm 12 % trong khi lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm buổi chiều giảm 9 %; nhưng tổng lưu lượng giao thông tăng do lưu lượng giao thông vào giữa trưa tăng 23 %.

Việc lái xe vào buổi trưa nhiều hơn tạo tiền đề cho việc đi lại vào buổi chiều khó khăn hơn, do thời gian ùn tắc tràn sang buổi chiều. Dữ liệu giao thông của Seattle (Mỹ) cho thấy giờ trưa tạo ra tổng số chuyến đi nhiều nhất, tiếp theo là 3 giờ chiều và 2 giờ chiều, bao gồm cả các tuyến đường chính cũng như đường cao tốc.

Dữ liệu giao thông của Seattle (Mỹ) cho thấy giờ trưa tạo ra tổng số chuyến đi nhiều nhất, tiếp theo là 3 giờ chiều và 2 giờ chiều, bao gồm cả các tuyến đường chính cũng như đường cao tốc. Ảnh: The Seattle Times

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thứ Hai và thứ Sáu là những ngày phổ biến nhất được nhiều người lựa chọn để làm việc từ xa, bởi vậy mà các ngày giữa tuần được xem là nóng nhất về giao thông.

Brian Douglas, một người dẫn chương trình giao thông trên sóng phát thanh, cho biết: “Nhiều người đã gọi cho tôi từ các làn thu phí trên đường cao tốc và họ không thể di chuyển được vì quá đông xe. Thứ Ba và thứ Năm được xem là những ngày đường phố đông đúc nhất trong tuần. Dữ liệu từ công ty phân tích giao thông cũng phát hiện vào ngày thứ Năm từ 16h00 đến 19h00 là thời điểm giao thông khó khăn nhất trên các đường cao tốc ở Los Angeles”.

Đáng chú ý, người đi làm cũng đã gần như từ bỏ phương tiện giao thông công cộng. Dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho thấy lượng người đi xe đã giảm trong thời gian đại dịch và không bao giờ phục hồi hoàn toàn.

Ông Pishue cho biết trước khi có COVID-19, buổi sáng sẽ là giờ cao điểm và sau đó giờ cao điểm tối. Nhưng hiện tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng đột biến trong suốt giờ cao điểm giữa trưa và buổi tối.

Theo một cuộc khảo sát riêng năm 2023 của Owl Labs, một công ty sản xuất thiết bị hội nghị truyền hình, hơn một nửa (58%) nhân viên làm việc theo hình thức kết hợp thừa nhận đến văn phòng “điểm danh” rồi nhanh chóng rời đi.

Cùng với đó, hiện ít người muốn dành nhiều thời gian hơn ở văn phòng. Owl Labs phát hiện ra rằng nếu khả năng làm việc tại nhà bị tước đi, 66% người lao động sẽ ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một công việc nhiều sự linh hoạt hơn — và phần lớn những nhân viên đó, khoảng 39%, sẽ nhanh chóng nghỉ việc.