Sập cầu khiến hàng chục người chết tại Ý: Có sai sót trong công tác bảo trì?

VOVGT - Ngày 14/8 vừa qua xảy ra vụ sập cầu tại thành phố Genoa (Jê-nô-a), Ý, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 14/8, một đoạn dài khoảng 200m của chiếc cầu Morandi nằm trên tuyến đường cao tốc A10, thành phố Genoa, Ý bị sập và rơi đè xuống đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác xung quanh khu vực cầu từ độ cao khoảng 100m.

Hiện trường vụ sập cầu thảm khốc khiến ít nhất 39 người tử vong tại Ý. Ảnh: Getty

Theo cảnh sát, nhiều ô tô đang lưu thông đã bị rơi theo phần cầu và bị vùi trong đống đổ nát cùng với các nạn nhân bị mắt kẹt bên trong. Ước tính, ít nhất 39 người thiệt mạng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, giới chức Ý đã điều động ít nhất 200 lính cứu hỏa làm việc xuyên đêm để tìm kiếm, giải cứu những người bị nạn.

Nic Robertson, phóng viên của đài truyền hình CNN đưa tin từ hiện trường cho biết:

 

“Thành phố Genoa bỗng chốc trở nên lộn xộn và hỗn loạn. Khắp các con phố, đâu cũng thấy xe cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu hộ và xe cứu thương. Họ đang phải đối mặt với những điều mà họ không bao giờ nghĩ chúng có thể xảy ra. Cây cầu vốn đã tồn tại hàng thập kỷ, một phần của nó nay chỉ còn là đống đổ nát. Ngày hôm nay, với người dân thành phố Genoa, đã thực sự trở thành thảm họa.”

Vụ sập cầu này cũng khiến các dịch vụ đường sắt ở xung quanh thành phố Genoa bị đình trệ. Một số nhân chứng cho hay, cây cầu đã bị sét đánh trúng trong thời tiết giông lốc và bị sập.

Cây cầu Morandi nhìn từ xa khi chưa sập. Ảnh chụp năm 2016. Nguồn: CNN

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cây cầu Morandi đang trong quá trình duy tu, bảo dưỡng. Cây cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1968, trong đó lần bảo dưỡng gần nhất của cây cầu này là vào năm 2016.

Không chỉ vậy, trong quá trình xây dựng từ năm 1963 tới năm 1967, cây cầu Morandi đã vấp phải nhiều lo ngại về cấu trúc công trình; dẫn tới nhiều chỉ trích và kinh phí bảo trì tốn kém sau này.

Theo CNN, cách đây 2 năm, một chuyên gia xây dựng của thành phố Genoa đã bày tỏ sự lo ngại về độ an toàn của cây cầu gần 50 năm tuổi này. Nhiều bộ phận của cây cầu có thể đã bị ăn mòn, đặc biệt là các dây cáp chịu lực bằng thép..

Phân tích vụ việc, một chuyên gia xây dựng của Mỹ cho biết:

 

“Nguyên nhân vụ sập cầu có thể là do khả năng chịu lực của cây cầu bị giảm sút. Tôi nghĩ rằng, khi một cây cầu lên tới 50, 60 năm tuổi đời, hay vượt quá giới hạn theo thiết kế ban đầu thì chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề; không chỉ với cây cầu tại Ý mà với tất cả các cây cầu khác trên thế giới”.

Vụ việc dấy lên lời cảnh báo về công tác bảo trì cầu đường bộ tại Ý. Ảnh: Slideshare

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết sẽ xem xét tước quyền quản lý tuyến đường cao tốc trên đối với nhà thầu, và có thể áp mức phạt tới 150 triệu euro, tức hơn 3.9 nghìn tỷ đồng Việt Nam, dựa trên các điều khoản của hợp đồng.

Đồng thời, Bộ trưởng Giao thông Ý Danilo Toninelli tuyên bố :

 

"Chúng tôi sẽ sớm đưa ra một kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Tuy nhiên, điều đầu tiên là các nhà quản lý cấp cao của công ty vận hành cầu Morandi phải từ chức; và họ sẽ phải đóng góp chi phí cho việc xây dựng lại cầu. Nhà thầu đã không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng quy định việc quản lý công trình."

Về phần mình, nhà thầu vận hành cây cầu Autostrade per l'Italia khẳng định tuân thủ quy tắc trong quá trình bảo trì và đã được Bộ Giao thông thông qua. Tuy nhiên, thảm hoạ vẫn xảy ra và các chuyên gia nhận định đã có thể tránh được nếu đảm bảo quy trình bảo trì, song nhà thầu này đã không thực hiện điều đó.

Để ngăn ngừa thảm họa tương tự xảy ra, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã chỉ thị năng kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trên cả nước.

Ngày 15/8/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Giuseppe Conte sau thảm hoạ sập cầu vừa nêu. Hiện không có thông tin nạn nhân là công dân Việt Nam trong vụ việc này.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục đường thủy nội địa, hiện cả nước còn khoảng 251 cầu yếu, xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát các công trình đang trong quá trình thi công, duy tu, bảo dưỡng cũng như có kế hoạch nâng cấp, thay thế các công trình cũ, xuống cấp để bảo đảm an toàn cho người dân.