Sản xuất khẩu trang tại Bắc Ninh: Chất lượng bị thả nổi, tự công bố tiêu chuẩn

Tình trạng nhập nhèm giữa khẩu trang 4 lớp thông thường với khẩu trang y tế, gây bối rối cho người tiêu dùng tại “thủ phủ” sản xuất khẩu trang ở tỉnh Bắc Ninh.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Cơ sở sản xuất khẩu trang ở Bắc Ninh

Như VOV Giao thông đã phản ánh về tình trạng nhập nhèm giữa khẩu trang 4 lớp thông thường với khẩu trang y tế, gây bối rối cho người tiêu dùng tại “thủ phủ” sản xuất khẩu trang ở tỉnh Bắc Ninh. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Song dường như, việc quản lý chất lượng khẩu trang ngay từ khâu sản xuất vẫn đang bị thả nổi.

Việc các đơn vị sản xuất khẩu trang 4 lớp bằng vải không dệt nhưng quảng cáo công dụng tương tự khẩu trang y tế là một thực trạng đang xảy ra trên thị trường. Khảo sát ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, một công ty thừa nhận, có thể sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, mà bán dưới dạng khẩu trang vải thường để tránh bị kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết, xã từng cùng lực lượng liên ngành kiểm tra, phát hiện và xử lý một số cơ sở sản xuất khẩu trang không đảm bảo về vệ sinh môi trường, điều kiện lao động, có dấu hiệu làm ăn chụp giật: "Những cơ sở ấy đã bị giải tán. Từ tháng 3/2020 đến giờ, các hộ sản xuất đã được tuyên truyền nên mặt hàng và mặt bằng sản xuất bây giờ rất quy chủ, sạch sẽ, đảm bảo với các tiêu chuẩn, quy định".

Mặc dù vậy, khi được hỏi những tiêu chuẩn, quy định nào đang được áp dụng, chính quyền xã cho biết, chỉ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế mới chịu giám sát bởi tiêu chuẩn 8389 của Bộ Y tế, còn các cơ sở sản xuất khẩu trang vải thông thường thì… không có tiêu chuẩn nào ràng buộc. Lý do, đây là… mặt hàng truyền thống của xã, theo lời vị phó chủ tịch xã, về cảm quan “chắc là đảm bảo”.

Đem thắc mắc này đề cập với lực lượng quản lý thị trường, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thị trường hiện nay đúng là xuất hiện nhiều nơi sản xuất khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người người sử dụng. Từ ngày 31/1 đến 17/8/2020, toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý gần 9.400 cơ sở, phạt tiền vi phạm hành chính gần 5,3 tỷ đồng với các vi phạm sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tái chế, hàng giả, kém chất lượng… Riêng về quy trình sản xuất khẩu trang, vị đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, nằm ngoài phạm vi trả lời.

Thực trạng nhiễu loạn của thị trường khẩu trang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Liên hệ với Sở y tế tỉnh Bắc Ninh, phóng viên cũng nhận được câu trả lời tương tự. Dược sĩ Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Bắc Ninh, cho biết: Địa bàn tỉnh có 70 cơ sở được cấp phép sản xuất khẩu trang y tế. Còn các cơ sở sản xuất khẩu trang vải thì Sở y tế không quản lý. Sản xuất khẩu trang vải thông thường, kể cả khẩu trang kháng giọt bắn theo tiêu chuẩn Quyết định 870 của Bộ Y tế thì ngành y tế không cấp phép cho các cơ sở đó. Họ tự đăng ký theo giấy đăng ký kinh doanh, tự công bố tiêu chuẩn cơ sở và sản xuất thôi".

Được biết, các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế phải đạt chuẩn ISO 13485, tiêu chuẩn 8389 của Bộ Y tế. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào đó để hậu kiểm, xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Nhưng với các đơn vị sản xuất khẩu trang vải 4 lớp có ngoại hình giống hệt khẩu trang y tế thì hiện không có công cụ để quản lý, giám sát hiệu quả, ngoại trừ tiêu chuẩn cơ sở do chính các đơn vị sản xuất tự công bố.

Theo dược sĩ Nguyễn Văn Lịch, khẩu trang y tế với khẩu trang 4 lớp vải không dệt về hình thức là hoàn toàn giống hệt nhau, phân biệt được phải có thử nghiệm chuyên môn: "Không khác gì cả, đều là polyeste vải không dệt. Khẩu trang y tế lớp ở giữa có màng lọc tiêu chuẩn có khả năng lọc, diệt khuẩn, giá thành chiếm nhiều nhất. Ngay cả mình cũng không nhìn được, nhưng khẩu trang 4 lớp thường khi thử nghiệm sẽ không đạt như tiêu chuẩn về ngăn khói bụi, sương dầu, tiểu phân tử, tiêu chuẩn về vải không có kim loại nặng, vi khuẩn, nấm mốc".

Các chuyên gia về luật pháp và kiểm định khẩu trang khẳng định, chính việc Việt Nam hiện mới có tiêu chuẩn khẩu trang mà chưa có quy chuẩn khẩu trang đã tạo ra những lỗ hổng về chất lượng mặt hàng này. Vì tiêu chuẩn chỉ mang tính chất khuyến cáo.

Đơn cử, các tiêu chuẩn của Bộ Y tế đã khuyến cáo về loại khẩu trang nào nên được sử dụng trong môi trường y tế, môi trường nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Chúng phải đáp ứng rất nhiều quy định về môi trường, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất.

Nhưng khi doanh nghiệp quảng cáo rằng, khẩu trang 4 lớp thông thường cũng có thể dùng trong bệnh viện, có tính chất kháng khuẩn như khẩu trang y tế thì dù không đạt tiêu chuẩn nào cũng rất khó xử lý sản phẩm và chính doanh nghiệp đó.
Chính việc lúng túng và thiếu kịp thời trong việc phân định sự nhập nhèm này đã và đang khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trong bối cảnh hàng ngày, hàng trăm nghìn sản phẩm khẩu trang 4 lớp với lời quảng cáo tương tự, gây hiểu nhầm với khẩu trang y tế vẫn được tung ra thị trường.

---

Mời các bạn nghe lại nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 27/8 tại đây: