Rời phố ra đảo, nhặt rác làm sạch biển

Không hẹn mà gặp, 1 nhóm gần 30 bạn trẻ mà hầu hết là khách du lịch từ nhiều nơi trên cả nước đã cùng nhau thu gom rác, làm sạch bờ biển và nhiều thắng cảnh đẹp trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Là một bạn trẻ yêu du lịch, bạn Tạ Thị Thùy (23 tuổi, ngụ Tà Xùa, tỉnh Sơn La) đến với đảo Phú Quý hòng kiếm tìm thêm những trải nghiệm mới mẻ về một điểm đến đang khá hot thời gian vừa qua. Sau 3 ngày rong ruổi khắp các thắng cảnh trên đảo như Cột Cờ Bãi Nhỏ, Gành Hang, Dốc Phượt, Núi Cao Cát, Bờ Kè Bãi Lăng, Phong điện…Cô gái nhỏ gốc Thái Nguyên nhận ra bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp, người dân hiền lành thì hòn đảo này có quá nhiều rác.

Nghĩ là làm, Thùy viết một status đăng trên nhóm “Dân đảo Phú Quý” cũng như trang cá nhân để vận động mọi người tham gia nhặt rác, làm sạch biển đảo. Chỉ trong 1 ngày, số lượng thành viên đăng ký tham gia nhóm lên đến gần 30 người. Kế hoạch 10 ngày làm sạch biển đảo Phú Quý nhanh chóng được vạch ra và chính thức triển khai vào chiều ngày 14/5.

Tạ Thị Thùy cho biết thêm: "Khối lượng rác sau khi thu gom vào bao tải cũ sẽ được vận chuyển lên nhà máy thu gom, khoảng từ 80-100 bao/ngày. Lượng rác vượt quá suy nghĩ của bọn em, ban đầu dự tính mỗi địa điểm chỉ cần 2 buổi, nhưng khi phát sinh như ở Bãi Nhỏ hay Dốc Phượt như anh thấy thì phải cần 4 buổi mới dọn hết".

Đeo 1 chiếc khẩu trang kín mặt, bọc đôi găng tay dày cùng chiếc bao bố trên tay, Đặng Thái Sơn chàng trai 25 tuổi, đến từ Hải Phòng và các đồng đội thoăn thoắt nhặt từng thân cây khô nằm rải rác trên các tảng đá san hô rồi buộc thành từng bó, sau đó tập trung lại thành 1 bãi lớn.

Được biết đây là ngày thứ 5 Sơn tham gia hoạt động thu gom rác tại đảo Phú Quý: "Đây là lần đầu tiên em ra đây, không gian ở đảo có quá nhiều cái đẹp, không phải mình không muốn đi du lịch mà cha7 kịp đi du lịch thì thấy các bạn trẻ cùng với hoạt động tích cực thì mình tham gia với mong muốn làm sạch môi trường, giữ cho đảo được cái sạch sẽ, bình yên", Đặng Thái Sơn cho biết.

Tham gia nhóm nhặt rác ngay từ những ngày đầu, Nguyễn Văn Trung (23 tuổi, ngụ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết việc thu gom rác tại đảo Phú Quý khá vất vả không chỉ vì điều kiện thời tiết nắng nóng, khối lượng rác thu gom lớn cũng như địa hình hiểm trở, dốc cao.

Tuy nhiên theo Trung, vượt lên trên tất cả chính là niềm vui, sự kết nối và ý nghĩa đến từ một hoạt động thiết thực: "Nói không nhọc thì có vẻ không thật nhưng thực sự rất là vui. Sau các buổi nhặt rác thì mọi người cùng ngồi lại giao lưu gắn kết mọi người với nhau tạo thêm niềm vui riêng về những trải nghiệm trên đảo. Bọn em đều chưa quen biết gì nhau nhưng các bạn đã tạo sự gắn kết, thân thiện từ người dân và cả khách du lịch".

Lần thứ 2 trở lại đảo Phú Quý, chị Diệu Thúy - 45 tuổi, đang công tác tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tỏ ra bất ngờ trước lượng rác thải trên đảo so với thời điểm năm 2019. Dù lịch trình của chuyến đi có bị thay đổi đột ngột, nhưng 3 ngày lưu trú trên đảo lần này là một trải nghiệm rất khác của chị Thúy.

"Nhặt rác ở đảo Phú Quý khác nhiều so với trong đất liền. Ngày đầu tiên nhặt ở dốc Phượt phải leo dốc đá xuống, mình lớn tuổi nên cũng yếu chậm hơn các bạn, cứ cuí lên cúi xuống leo trèo nên ngày đầu về cũng đau lưng nhưng cũng không quá sức. Vì mình làm có niềm vui và ý nghĩa lan tỏa nên cái mệt tan nhanh, mệt chút xíu 1về lại khỏe ngay, ngủ 1 giấc mai lại như bình thường", chị Thúy chia sẻ.

Là một trong những thành viên nòng cốt và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các thanh niên trên đảo, tìm kiếm phương tiện đưa rác về nhà máy, tự bỏ tiền túi ra chi trả chi phí xử lý, Chuột – nickname của anh Huỳnh Văn Phú - 33 tuổi hướng dẫn viên du lịch tại đảo Phú Quý cho biết cũng đã rất nhiều lần nghĩ về việc thu gom rác, làm sạch biển đảo nhưng khi bắt gặp ý tưởng của Tạ Thì Thùy thì anh như được tiếp thêm sức mạnh:

"Là hướng dẫn viên, em thấy nhiều du khách cũng muốn tham gia các phong trào thế này. Mọi người đến đây vì rất yêu biển và không muốn nhìn thấy rác thải nhiều như vậy. Tuy ở xa nhưng không quản ngại đi lại khó khăn mà vẫn chung tay với tụi em, đó chính là động lực để tụi em duy trì việc này", anh Phú nói.

Tuy vậy theo chị Diệu Thúy (ngụ thành phố Thủ Đức, TPHCM) thì việc làm này cần phải có sự góp sức tích cực hơn nữa từ phía chính quyền, người dân địa phương và các du khách: "Thực ra đây là hành động tự phát của 1 nhóm người dân địa phương và các bạn trẻ đến du lịch muốn góp sức. Rác thì tự nhặt, tự đưa lên, tự vận chuyển và bỏ tiền để nhà máy xử lý. Cái này là hành động đẹp, chính quyền địa phương nên chú ý hơn 1 chút, hỗ trợ thêm 1 chút thì hành động mới lâu dài được".

Từ một ý tưởng bộc phát đến những việc làm ý nghĩa của những người trẻ, việc nhặt rác làm sạch đảo Phú Quý nói riêng biển đảo nước ta nói chung cần được duy trì thường xuyên để vừa đảm bảo mỹ quan vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững.