Quyết liệt săn lùng kẻ biến thái trên phương tiện công cộng

Quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng hiện đang diễn ra phổ biến, để giải quyết vấn đề này, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã triển khai các “đội săn tìm kẻ biến thái” nhằm giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục trên các phương tiện GTCC

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Một cảnh trích từ video ghi lại quá trình bắt giữ tội phạm quấy rối tình dục của cảnh sát Bắc Kinh. Ảnh: Weibo.

- “Quay đầu lại và xóa những bức ảnh đi. Hoặc tôi sẽ báo cảnh sát”.

- “Sao cơ?” 

- “Xóa đi. Nhanh lên. Mọi người đều đang nhìn anh đấy. Anh đã cố gắng chụp ảnh dưới váy của cô gái”. 

- “Được rồi. Tôi sẽ xóa”.

Đây là chỉ một trong rất nhiều vụ việc quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng xảy ra tại Bắc Kinh. Trước thực trạng này, từ tháng 6/2017, giơi chức Bắc Kinh triển khai các “đội săn tìm kẻ biến thái”.

Đến nay, 840 đối tượng đã bị bắt giữ; tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, đã bắt giữ 285 đối tượng.

Thành viên tham gia đội tuần tra này thuộc 32 đồn cảnh sát giao thông ở thủ đô Bắc Kinh, họ mặc thường phục, đi tuần ở khắp hệ thống tàu điện ngầm thành phố và truy tìm những kẻ biến thái.

Gần đây, chiến dịch này gây xôn xao dư luận toàn quốc sau khi một nhân vật cấp cao thuộc Ủy ban quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc bị bắt quả tang đang quấy rối một phụ nữ.

Các đội tuần tra đặc biệt này phát hiện và theo dõi những người đàn ông khả nghi trên các sân ga tàu điện ngầm khi các đối tượng này tìm kiếm mục tiêu là nữ giới, bám theo họ lên tàu. Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng qua video, sẽ bắt và giam giữ trong vòng 10 ngày - hình phạt tối đa về tội quấy rối tình dục theo quy định của pháp luật Trung Quốc.

Chiến dịch của cảnh sát Bắc Kinh nhận được sự hoan nghênh của người dân. Nhiều nạn nhân đã chia sẻ những trải nghiệm khi bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng tại mạng xã hội Weibo: “Tôi từng phải chuyển nhà đến gần công ty hơn để có thể đi xe máy đi làm. Tôi quá sợ tình trạng tàu điện ngầm chật cứng trong giờ cao điểm. Vì vậy, tôi cực kỳ ủng hộ chiến dịch này”.  Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hình phạt 10 ngày là quá khoan dung đối với loại tội phạm này.

Một số người dân chia sẻ ý kiến:

- “Hầu hết phụ nữ sẽ chọn im lặng bởi vì họ sợ bị người khác để ý, nói này kia thế nhưng việc không trình báo những kẻ biến thái lại đang khuyến khích chúng tiếp tục sàm sỡ những cô gái khác. Cần phải có những hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm tình dục”. 

- "Tôi sẽ giúp đỡ họ nếu xảy ra việc bị sàm sỡ trên tàu điện ngầm hay xe buýt thế nhưng tôi không chắc là việc làm của mình có thực sự giải quyết được vấn đề hay không. Chính vì thế mà việc nhà nước quyết liệt trấn áp và đưa ra các quy định xử phạt nghiêm tạo răn đe là cần thiết.

- "Tôi nghĩ phụ nữ cũng cần học cách tự bảo vệ mình. Chúng ta phải hét thật lớn về phía tên biến thái thay vì xấu hổ”.

Chiến dịch của cảnh sát Bắc Kinh nhận được sự hoan nghênh của người dân. Ảnh: YNET Photo

Với hơn 10 triệu chuyến đi hàng ngày, mạng lưới tàu điện ngầm Bắc Kinh được xem là bận rộn nhất trên thế giới; và quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng là một vấn nạn

Hơn 1/2 thanh niên tham gia cuộc khảo sát của tờ China Youth Daily cho biết họ từng là nạn nhân trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm.

Định kiến xã hội, nỗi xấu hổ và sợ bị trả thù là nguyên nhân chính khiến các nạn nhân không dám phản ứng hoặc trình báo với cảnh sát. Năm 2017, một phụ nữ ở Bắc Kinh đã bị một thanh niên cắt cổ sau khi nạn nhân tát hắn vì có hành vi sờ soạng trên xe buýt.

Nhiều năm qua, vấn nạn này thường không được các nhà chức trách chú trọng, những biện pháp của đưa ra lại không triệt để.

Năm 2017, thành phố Quảng Châu cho ra mắt các toa tàu “chỉ dành cho phái nữ”, thế nhưng, động thái này bị chỉ trích khi không giải quyết gốc rễ của vấn đề, bao gồm thái độ và lối hành xử của nam giới và cũng không thực thi một cách nghiêm khắc.

Mặc dù vậy, các nhà hoạt động nữ quyền cũng đánh giá trong những năm gần đây, dư luận đã ý thức hơn khi không đổ lỗi cho nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục và sẵn sàng lên tiếng chỉ trích thực trạng này. Đó là một tín hiệu tích cực.

Còn tại Việt Nam, vấn nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng cũng diễn ra phổ biến, cần những giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng thay vì chỉ trông chờ vào việc pháp luật được điều chỉnh, bổ sung các chế tài nghiêm khắc để tăng tính răn đe thì chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc tái diễn các hiện tượng quấy rối tình dục trên phương tiện công cộng.

“Một là chúng ta tăng cường thông tin tuyên truyền để mọi người đều hiểu biết rõ việc quấy rối tình dục là như thế nào. Thứ hai là cũng phải tuyên truyền cho cả những người có trách nhiệm trên xe phải biết cách ứng xử khi hiện tượng này xảy ra. Và cuối cùng là chúng tôi cho rằng không thể thiếu sự có mặt của lực lượng pháp luật và các chế tài cần đủ mạnh để có sự răn đe và xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Hoàng Hải nêu ý kiến.