Quy trình nào cho đạo đức?

Quy định hiện hành đã có đầy đủ, khá chi tiết và liên tục được cập nhật, bổ sung để đảm bảo ngăn ngừa các trường hợp bỏ quên trẻ trên xe đưa đón.

Tuy vậy, dù quy trình chặt chẽ đến đâu thì yếu tố con người thực thi mới mang tính quyết định, quy trình có thể sai sót hoặc chậm bổ sung, nhưng nếu làm đúng đạo đức và trách nhiệm của người thực thi, những tai nạn đáng tiếc hoàn toàn có thể được ngăn chặn.

Ảnh nh hoạ: Phước Tuấn/ VnExpress

Những rủi ro cho một trẻ em sử dụng xe đưa đón có thể xuất hiện ở bất kỳ khâu nào, từ lúc đón trẻ - quản lý trẻ trên xe  cho đến khi trả trẻ tại trường hoặc gia đình. Bởi giữa cam kết trên hợp đồng và việc thực hiện trên thực tế luôn có sự sai khác.

Trẻ hoàn toàn có thể lên nhầm, nếu chiếc xe quen thuộc hàng ngày đột nhiên đổi sang xe khác do bị hỏng, hoặc được điều đi chạy đám cưới, chạy du lịch, mà không được thông báo cho phụ huynh.

Trẻ có thể bị bỏ sót, nếu người quản xe thay đổi đột ngột mà chưa bàn giao, người mới chưa kịp nắm bắt quy trình, chưa kịp làm quen trẻ.

Đã có những cháu bị bỏ sót lại trường mà người quản xe không hề phát hiện, cho đến khi xe về đến nhà. Nguyên nhân là do, quản xe chỉ đếm đủ số lượng chứ không điểm danh từng cháu. Số lượng vẫn đủ vì có một cháu ở xe khác lên nhầm.

Tình huống trong thực tế hoạt động xe đưa đón học sinh vô cùng đa dạng và phức tạp. Mà quy trình dù chặt đến đâu, cũng chỉ đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn mang tính nguyên tắc cho từng khâu đoạn.  Vì vậy, an toàn  của trẻ phụ thuộc vào biến số từ những người trực tiếp thực hiện các thao tác này.

Không chỉ nắm bắt quy trình, người vận hành quy trình đó cần hiểu tầm quan trọng của từng thao tác, tuyệt đối không coi nó là rườm rà, “vẽ rắn thêm chân”. Hàng chục đứa trẻ trên xe, bạn tuyệt đối không thể chỉ đếm và điểm danh bằng mắt.

Khác với phụ xe khách, xe hợp đồng du lịch, người quản lý một chiếc xe học sinh phải để mắt tới trẻ toàn thời gian, ngay cả khi chúng vui đùa hay ngủ gà ngủ gật. Đó là còn chưa kể những yếu tố an toàn về thông tin, về tinh thần, về tâm lý cho trẻ trong suốt chuyến đi.

Đón và trả trẻ em, mọi khả năng nhầm lẫn, sai và sót đều có thể xảy ra, nếu thao tác thiếu tập trung, cẩn thận và chuẩn xác.

Muốn vậy, tính kỷ luật và kỹ năng mới chỉ là điều kiện căn bản của nhân viên đưa đón trẻ. Họ cần nhiều hơn thế.

Muốn vậy, nhà trường không thể phó mặc cho nhà xe, mà cần nắm bắt thường xuyên ý kiến phụ huynh, kết hợp nhiều cách kiểm tra giám sát, để phát hiện bất cập và chấn chỉnh kịp thời.

Sẽ có những ý kiến cho rằng, với phí dịch vụ xe đưa đón hiện nay, nhà xe không có nhiều lựa chọn tìm người phục vụ tốt. Nhưng mức phí là doanh nghiệp đưa ra, trên cơ sở tính đủ và có lãi theo thị trường. Đánh giá phẩm chất của một con người có phù hợp công việc đặc thù nay hay không, đó là năng lực của doanh nghiệp.

Nhà trường chịu trách nhiệm về an toàn của học sinh nên có quyền lựa chọn hay không chọn nhà cung cấp nào, tùy vào khả năng đáp ứng của họ . Và không một phụ huynh nào đem sự an toàn của con mình ra mặc cả. Họ sẽ chủ động lựa chọn phương thức đưa đón con phù hợp với điều kiện gia đình.

Khi một sự cố xảy ra hoặc lặp lại, nhiều người lại đặt vấn đề về quy trình và đòi hỏi hoàn thiện, giám sát quy trình cho chặt chẽ, để không còn những đứa trẻ phải bỏ mạng oan uổng. Điều đó đúng, rất đúng! Với những đứa trẻ non nớt chập chững đến trường, bất kỳ một sự sai sót, cẩu thả, tắc trách nào trong thực hiện quy trình quản lý, chăm nom đều có thể biến thành tội ác.

Nhưng, không thể đợi đến khi hoàn thiện quy trình mới đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ trên xe. Và ngay cả quy trình có chặt chẽ hơn, cũng không thể bao quát hết mọi tình huống. Rủi ro cho trẻ em chỉ có thể được giảm thiểu, khi những người liên quan từ phía nhà xe và nhà trường làm việc bằng tinh thần trách nhiệm, bằng sự thận trọng cao nhất, bằng cả đạo đức và tình thương dành cho những em bé mà họ phục vụ, đối xử với chúng như với chính con em mình.

Đó là điều có thể thay đổi ngay, mà không cần đợi quy trình. Đạo đức và tình thương, không cần đợi một quy trình nào cả./.