Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong: Bài học cũ, nỗi đau mới

Quách Đồng - Kiều Tuyết: Thứ hai 03/06/2024, 07:50 (GMT+7)

Mới đây, tại tỉnh Thái Bình tiếp tục xảy ra vụ việc quên trẻ trên xe đưa đón, dẫn đến tử vong, gây bàng hoàng cho dư luận. Vì sao các khuyến cáo liên tục được nhắc đến, các quy định đã được đưa ra, nhưng vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc? Cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

  

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ việc trẻ bị bỏ quên vào tối 29/5

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ việc trẻ bị bỏ quên vào tối 29/5

Đã từng cho bé lớn đi học bằng xe đưa đón, song anh Bùi Văn Hưng, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội đang rất băn khoăn khi bé thứ 2 sắp đi học mầm non, nhất là khi nghe thông tin vụ việc trẻ bị quên trên xe xảy ra tại Thái Bình, dẫn đến tử vong. Bởi vậy, anh Hưng mong muốn, các quy định về giao nhận, đưa đón trẻ cần được thực hiện nghiêm túc hơn:

"Cũng có lo lắng, nhưng thực sự bây giờ nhà trường cần phải có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ hơn với các nhà xe để đảm bảo việc kiểm soát học sinh lúc đưa lúc đón được hiệu quả và an toàn, bởi vì bây giờ trách nhiệm là giữa nhà trường, nhà xe và phụ huynh, nhưng vấn đề là nhà trường ký kết với nhà xe, còn phụ huynh hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường", anh Hưng cho biết.

Cùng chung tâm trạng bất an khi con nhỏ đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón, chị Dương Thị Thảo (ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn các quy định về trách nhiệm các bên liên quan đến dịch vụ đưa đón học sinh được rõ ràng để các bên tuân thủ đúng quy trình:

"Tôi cũng có con nhỏ đang học tiểu học và em bé cũng đi xe buýt hàng ngày tới trường. Trong những trường hợp sự cố xảy ra với các con, bản thân tôi là phụ huynh cũng rất lo lắng và cũng mong sớm có các văn bản chỉ đạo cụ thể, rõ ràng hơn để nhà trường có thể thực hiện được và phụ huynh cũng yên tâm hơn khi gửi con cho nhà trường".

Nói về quy định hiện hành đối với xe đưa đón học sinh, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho hay, đã tương đối đầy đủ, trong đó vai trò của nhà trường, doanh nghiệp vận tải, bộ phận dịch vụ, người quản lý trên xe để theo dõi, giám sát các cháu từ lúc đón các cháu lên xe, di chuyển và bàn giao đến trường... Vấn đề còn lại là quá trình giám sát thực hiện:

"Tất cả các khâu đã rất nghiêm ngặt, kể cả trang thiết bị cũng có yêu cầu phải có những thiết bị để có thể theo dõi, giám sát vấn đề sót các cháu trên xe cũng phải có. Nhưng con người phải là con người giám sát, con người phải đi kiểm tra lại tất cả trên xe xong mới quyết định cho xe di chuyển, chứ tại sao lại để quên các cháu. Ở đây là những sơ suất rất lớn có liên quan đến hệ thống đưa đón các cháu", ông Tạo cho biết. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ Nghị định 10/2020 đến Thông tư 12/2020 đều quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quy trình đưa đón học sinh. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này đã rất khó có khả năng quên học sinh trên xe.

Tuy vậy, bà Phan Thị Thu Hiền cũng cho biết, dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến cũng bổ sung nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe đưa đón, như: Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô:

"Hiện nay dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đã bảo trùm, đảm bảo ATGT một cách rất triệt để. Nếu thực hiện đúng thì chắc chắn không thể xảy ra được các vụ việc như vậy. Chỉ tường hợp bây giờ người ta không thực hiện đúng thôi", bà Hiền nói.

Tuy vậy, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, dù các quy định của pháp luật có chặt chẽ và chi tiết đến đâu, nếu người thực thi không làm hết trách nhiệm và bên giám sát không thực hiện thường xuyên, thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót:

"Quy định pháp luật dù đầy đủ, dù chặt chẽ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện nếu lơi lỏng, nếu chỗ này chỗ kia thực hiện không tốt, thì những vụ việc như vậy vẫn có thể xảy ra. Bởi vì ngoài việc có quy định tốt, thì quá trình thực hiện tại địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng mà ở đây quá trình tập huấn của doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm tập huấn của cơ sở giáo dục, rồi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng tại địa phương. Cái này là mấu chốt".

Chung quan điểm, PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng cho hay, các quy định có sẵn cũng và việc bổ sung tại các dự thảo luật đã khá chặt chẽ, song việc thực thi, từ đưa đón trẻ, đến giám sát, kiểm tra xe thì không có lực lượng nào cưỡng chế thực thi, mà hoàn toàn phụ thuộc vào lái xe và người giám sát. Bởi vậy, nếu không được tập huấn thường xuyên, các khâu thực thi rất dễ bị lãng quên hoặc buông lỏng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

"Phải tập huấn thường xuyên và phải nhắc thường xuyên, hoặc tất cả các xe đưa đón, giống như quy trình thực hiện, bước một làm gì, bước hai làm gì… những cái đấy hoàn toàn có thể dán trên cửa xe hoặc là có trước mặt người lái xe để bắt buộc họ phải tuân thủ. Đấy là những quy trình để thúc đẩy tính tự giác tuân thủ của người thực thi", PGS.TS Phạm Việt Cường nói.

 

Quy định hiện hành đã có đầy đủ, khá chi tiết và liên tục được cập nhật, bổ sung để đảm bảo ngăn ngừa các trường hợp bỏ quên trẻ trên xe đưa đón. (Ảnh minh họa)

Quy định hiện hành đã có đầy đủ, khá chi tiết và liên tục được cập nhật, bổ sung để đảm bảo ngăn ngừa các trường hợp bỏ quên trẻ trên xe đưa đón. (Ảnh minh họa)

Quy định hiện hành đã có đầy đủ, khá chi tiết và liên tục được cập nhật, bổ sung để đảm bảo ngăn ngừa các trường hợp bỏ quên trẻ trên xe đưa đón. Tuy vậy, dù quy trình chặt chẽ đến đâu thì yếu tố con người thực thi mới mang tính quyết định, quy trình có thể sai sót hoặc chậm bổ sung, nhưng nếu làm đúng đạo đức và trách nhiệm của người thực thi, những tai nạn đáng tiếc hoàn toàn có thể được ngăn chặn.

Đây cũng góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Quy trình nào cho đạo đức?

Những rủi ro cho một trẻ em sử dụng xe đưa đón có thể xuất hiện ở bất kỳ khâu nào, từ lúc đón trẻ - quản lý trẻ trên xe  cho đến khi trả trẻ tại trường hoặc gia đình. Bởi giữa cam kết trên hợp đồng và việc thực hiện trên thực tế luôn có sự sai khác.

Trẻ hoàn toàn có thể lên nhầm, nếu chiếc xe quen thuộc hàng ngày đột nhiên đổi sang xe khác do bị hỏng, hoặc được điều đi chạy đám cưới, chạy du lịch, mà không được thông báo cho phụ huynh.

Trẻ có thể bị bỏ sót, nếu người quản xe thay đổi đột ngột mà chưa bàn giao, người mới chưa kịp nắm bắt quy trình, chưa kịp làm quen trẻ.

Đã có những cháu bị bỏ sót lại trường mà người quản xe không hề phát hiện, cho đến khi xe về đến nhà. Nguyên nhân là do, quản xe chỉ đếm đủ số lượng chứ không điểm danh từng cháu. Số lượng vẫn đủ vì có một cháu ở xe khác lên nhầm.

Tình huống trong thực tế hoạt động xe đưa đón học sinh vô cùng đa dạng và phức tạp. Mà quy trình dù chặt đến đâu, cũng chỉ đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn mang tính nguyên tắc cho từng khâu đoạn.  Vì vậy, an toàn  của trẻ phụ thuộc vào biến số từ những người trực tiếp thực hiện các thao tác này.

Không chỉ nắm bắt quy trình, người vận hành quy trình đó cần hiểu tầm quan trọng của từng thao tác, tuyệt đối không coi nó là rườm rà, “vẽ rắn thêm chân”. Hàng chục đứa trẻ trên xe, bạn tuyệt đối không thể chỉ đếm và điểm danh bằng mắt.

Khác với phụ xe khách, xe hợp đồng du lịch, người quản lý một chiếc xe học sinh phải để mắt tới trẻ toàn thời gian, ngay cả khi chúng vui đùa hay ngủ gà ngủ gật. Đó là còn chưa kể những yếu tố an toàn về thông tin, về tinh thần, về tâm lý cho trẻ trong suốt chuyến đi.

Đón và trả trẻ em, mọi khả năng nhầm lẫn, sai và sót đều có thể xảy ra, nếu thao tác thiếu tập trung, cẩn thận và chuẩn xác.

Muốn vậy, tính kỷ luật và kỹ năng mới chỉ là điều kiện căn bản của nhân viên đưa đón trẻ. Họ cần nhiều hơn thế.

Muốn vậy, nhà trường không thể phó mặc cho nhà xe, mà cần nắm bắt thường xuyên ý kiến phụ huynh, kết hợp nhiều cách kiểm tra giám sát, để phát hiện bất cập và chấn chỉnh kịp thời.

Sẽ có những ý kiến cho rằng, với phí dịch vụ xe đưa đón hiện nay, nhà xe không có nhiều lựa chọn tìm người phục vụ tốt. Nhưng mức phí là doanh nghiệp đưa ra, trên cơ sở tính đủ và có lãi theo thị trường. Đánh giá phẩm chất của một con người có phù hợp công việc đặc thù nay hay không, đó là năng lực của doanh nghiệp. Nhà trường chịu trách nhiệm về an toàn của học sinh nên có quyền lựa chọn hay không chọn nhà cung cấp nào, tùy vào khả năng đáp ứng của họ . Và không một phụ huynh nào đem sự an toàn của con mình ra mặc cả. Họ sẽ chủ động lựa chọn phương thức đưa đón con phù hợp với điều kiện gia đình.

Khi một sự cố xảy ra hoặc lặp lại, nhiều người lại đặt vấn đề về quy trình và đòi hỏi hoàn thiện, giám sát quy trình cho chặt chẽ, để không còn những đứa trẻ phải bỏ mạng oan uổng. Điều đó đúng, rất đúng! Với những đứa trẻ non nớt chập chững đến trường, bất kỳ một sự sai sót, cẩu thả, tắc trách nào trong thực hiện quy trình quản lý, chăm nom đều có thể biến thành tội ác.

Nhưng, không thể đợi đến khi hoàn thiện quy trình mới đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ trên xe. Và ngay cả quy trình có chặt chẽ hơn, cũng không thể bao quát hết mọi tình huống. Rủi ro cho trẻ em chỉ có thể được giảm thiểu, khi những người liên quan từ phía nhà xe và nhà trường làm việc bằng tinh thần trách nhiệm, bằng sự thận trọng cao nhất, bằng cả đạo đức và tình thương dành cho những em bé mà họ phục vụ, đối xử với chúng như với chính con em mình.

Đó là điều có thể thay đổi ngay, mà không cần đợi quy trình. Đạo đức và tình thương, không cần đợi một quy trình nào cả./.

Quách Đồng - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
“Bẫy” nắp cống

“Bẫy” nắp cống

“Nắp cống lồi, lõm luôn đem lại phiền phức cho người đi đường”, đây là một trong những ý kiến được nhiều thính giả chia sẻ với VOV Giao thông.

Ga Long Biên, điểm đến của du khách khi thăm Hà Nội

Ga Long Biên, điểm đến của du khách khi thăm Hà Nội

Người ta thường biết đến Hà Nội có một cây cầu Long Biên lịch sử trăm năm, với thiết kế độc đáo và luôn thu hút du khách tới tham quan... Thời gian gần đây, không chỉ có cầu Long Biên mà nhà ga Long Biên cũng đang trở thành một điểm đến thú vị với những thay đổi để phục vụ du khách...

Làm gì để nâng cao hiệu quả của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em?

Làm gì để nâng cao hiệu quả của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em?

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 đang được hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước, với chủ đề năm nay là "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em".

Nên quy định ra sao để quyền lái xe của người khuyết tật không nằm trên giấy

Nên quy định ra sao để quyền lái xe của người khuyết tật không nằm trên giấy

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã có quy định cho phép người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, song phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Tranh tài đầy kịch tính tại ngày thi đấu thứ hai giải đua Victory Challenge Sailun Cup 2024

Tranh tài đầy kịch tính tại ngày thi đấu thứ hai giải đua Victory Challenge Sailun Cup 2024

Ngày 22/6, giải đua xe ô tô địa hình Chinh phục thử thách - Victory Challenge Sailun Cup 2024 tiếp tục bước sang ngày thi đấu thứ hai tại công viên hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cuộc đua đã chứng kiến những màn tranh tài đầy gay cấn và kịch tính.

Vì sao chậm nâng cấp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dù đã có vốn?

Vì sao chậm nâng cấp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dù đã có vốn?

Nhằm nâng cao năng lực thông hành, năm 2022, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án đầu tư Nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (trên địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang). Đây là bước hoàn thiện để nâng tuyến đường này đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.

Tạm dừng thực hiện bảng lương mới, sẽ tăng 30% lương cơ sở từ 1/7: Thận trọng và đúng đắn

Tạm dừng thực hiện bảng lương mới, sẽ tăng 30% lương cơ sở từ 1/7: Thận trọng và đúng đắn

Theo lộ trình cải cách tiền lương khu vực công, Bộ Nội vụ cho biết, có 4 trên 6 nội dung đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. 2 nội dung còn lại phát sinh nhiều bất cập, chưa thực hiện được, gồm: bảng lương mới và cơ cấu, sắp xếp 9 chế độ phụ cấp mới.