Quá nhiều lỗ hổng an toàn thực phẩm trong vụ ngộ độc đêm Trung thu

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh su kem tại lễ Trung thu khiến bé gái 6 tuổi tử vong, Trưởng ban an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, sự chậm trễ thông tin là thất bại ban đầu khiến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Chiều ngày 5/10, Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý thực phẩm, thực phẩm từ thiện trên địa bàn thành phố sau vụ việc ngộ độc thực phẩm ăn bánh sukem tại đêm Trung thu. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM tại họp báo.

“Hiện giờ chưa phát hiện được, chưa  kết luận được một cách chính thức là nguyên nhân là nhiễm lúc nào. Bây giờ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm gây ra cái chết của cháu bé thì do chủng nào, cái này ngành y tế sẽ  có chuyên môn và đúng với chức năng, nhiệm vụ để kết luận là chủng vi khuẩn nào.

Ở đây, đối với an toàn thực phẩm thì chúng tôi có nhiệm vụ kết luận là nhiễm từ đường nào, thực phẩm nào, do đâu mà dẫn đến tình trạng ngộ độc như vậy”, bà Phong Lan nói.

Nhìn nhận về vụ việc ngộ độc thực phẩm sau buổi tổ chức trung thu cho các bé, bà Lan thẳng thắn nhìn nhận Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố vẫn chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả an toàn đối với thực phẩm từ thiện, vấn đề này vẫn thực sự là một mảng trống.

Bà Lan thừa nhận vụ việc các cơ quan chức năng phản ứng quá chậm.Vụ việc từ tối thứ 6 nhưng đến tận thứ 2 cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra giữa các đơn vị, giá như Công an TP. Thủ Đức thông tin sớm, Ban quản lý chung cư thông báo sớm cơ quan chức năng thì được điều tra dịch tễ đưa 50 người đi cấp cứu sớm. Nếu nhiều trẻ hôm đó ăn bánh mà thể trạng kém, kèm bệnh lý nền sẽ rất nguy hiểm.

Tại họp báo PV VOV Giao thông đặt câu hỏi về việc, có phải nguyên nhân một phần tử vong có sự chậm trễ và tiên lượng sai trong cấp cứu ban đầu của bệnh viện khiến cháu bé tử vong? Vì bé được đưa đến viện vào chiều ngày 1/10, song qua thăm khám thì bác sĩ cho thuốc và cho bé về điều trị tại nhà. Nhưng đến 21 giờ cùng ngày bé biến chứng nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM không trả lời cụ thể trọng tâm vấn đề, ông cho rằng đây là 1 ca khá phức tạp với các ca ngộ độc trước đây. Và, hiện ngành y tế đang tập trung điều trị cho 17 bệnh nhi cùng ăn bánh cùng ngày hôm đó bị ngộ độc.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn Phòng Sở Y tế TP.HCM

Trước đó vào sáng 5/10, Sở Y tế TP.HCM, kết quả xét nghiệm PCR phân của 2 trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy cho thấy có vi khuẩn Salmonella spp.  Các chuyên gia y tế cho biết: “Vi khuẩn Salmonella spp có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ ễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng”.

Theo Sở Y tế, ngoài 17 trẻ được đưa đến các bệnh viện điều trị sau đêm tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights, còn có 2 trẻ có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy đi khám tại một phòng khám tư.

Tổ công tác Sở Y tế TP.HCM đã đến phòng khám này để tìm hiểu và xác định rõ, đây là 2 trẻ (người nước ngoài) được gia đình đưa đi khám sau khi phát hiện có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy. Bệnh nhi nam 6 tuổi với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột, nghi ngờ viêm ruột trực khuẩn, được xử trí truyền dịch tại phòng khám và chỉ định xét nghiệm PCR phân, kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Riêng bệnh nhi nam 12 tuổi, bị đau bụng nhiều, sốt, tiêu chảy, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao, CRP tăng, kết quả siêu âm bụng là viêm ruột, xét nghiệm PCR phân cũng cho kết quả dương tính với Salmonella. Hiện, sức khỏe của 2 bé đã phục hồi.