Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Quà miễn phí tri ân khách hàng: Chỉ là cái bẫy

Xuân Tú: Thứ bảy 11/05/2024, 20:07 (GMT+7)

Hãy cảnh giác nếu một ngày quý vị nhận được lời nhắn/cuộc gọi từ người lạ tự xưng là nhân viên từ sàn thương mại điện tử, công ty dịch vụ... muốn tặng quà miễn phí.

Cảnh báo này có thể đã quen thuộc, nhiều người không mắc bẫy. Nhưng vẫn có những đối tượng dễ bị dụ dỗ tham gia và bị lừa tiền như người lớn tuổi, bà con tại các vùng quê khó khăn. 

"Em chào chị, em là nhân viên của sàn giao dịch thương mại điện tử Shoppee, em gọi tới để thay mặt công ty tặng chị một phần quà miễn phí nhằm tri ân khách hàng của sàn. Quà chị được chọn trong danh sách đi kèm. Chị kết bạn zalo với em để em hướng dẫn nhận quà."

Đó là nguyên văn nội dung cuộc gọi mà chị A. (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) được nhận từ một người xa lạ, nói về chính sách tặng quà từ Shoppee. Chúng tôi thuật lại để quý vị dễ nắm bắt, bởi nhân viên này nói rất nhanh, hơi khó nghe, cách nói trơn tru, dường như đã lặp lại nội dung này nhiều lần với không ít người. Mục đích là xác nhận đối tượng và dẫn dụ kết bạn Zalo.

Trong cuộc trò chuyện trên Zalo, chị A. được yêu cầu cung cấp các thông tin cơ bản như họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ khi nhận quà, và được chọn một trong khoảng 20 món đồ như: Bộ nồi niêu, máy lọc không khí, xe đạp trẻ em, nồi nướng, bình đun nước siêu tốc... Tấm catalog danh mục quà được thiết kế khá giống với danh mục sản phẩm của trung tâm điện máy.

Lừa đảo tặng quà miễn phí nhân dịp tri ân khách hàng. Ảnh: Tiểu Minh/PLO

Lừa đảo tặng quà miễn phí nhân dịp tri ân khách hàng. Ảnh: Tiểu Minh/PLO

Sau khi làm xong thủ tục, chị A. tiếp tục được yêu cầu tải ứng dụng Telegram (một ứng dụng thường được các đối tượng lừa đảo chọn làm nơi giao dịch với nạn nhân) để tham gia một nhóm kín trên ứng dụng này. Nhóm có một trưởng nhóm, chị A. là người thứ 10. Việc đầu tiên chị A. và những người khác được yêu cầu là cung cấp số tài khoản, sau đó chị được hướng dẫn làm nhiệm vụ để nhận thưởng.

Chị A. cung cấp thông tin cho PV: "Ban đầu mình sẽ được yêu cầu xác nhận thông tin để nhận quà. Sau đó là chọn quà để tặng. Rồi vào cái nhóm Telegram có mấy người cũng tham gia. Họ làm nhiệm vụ nhanh lắm. Mình thì luôn làm chậm nhất và cứ bị giục là làm nhiệm vụ đi còn nhận quà. Nhiệm vụ thì là tăng like cho clip quảng cáo trên Youtube, có hôm thì chơi giải đố nhận thưởng. Mức thưởng cứ tăng dần từ 30.000, 50.000..."

Được chị A. cho xem nội dung tin nhắn trong nhóm Telegram, có thể thấy rõ biểu hiện lừa đảo. Dường như chỉ mình chị A. là nạn nhân, tất cả những người còn lại trong nhóm đều là của tổ chức này. Cú pháp nhắn tin của họ khá giống nhau, thời điểm gửi tin cũng gần như đồng thời, và đều thường xuyên giục giã để chị A. - con mồi - mau chóng làm theo.

Cũng vì những dấu hiệu này nên chị A. nhận ra và đã có sự cảnh giác. Người này tiếp tục kể với PV:

"Mình thấy người ta cứ giục mình liên tục là phải làm cái nọ cái kia, xong hơi tí lại khoe là được quà rồi, nhận được thưởng rồi, cảm giác rất không tự nhiên. Xong còn có người nhắn tin riêng với mình, tỏ ra là cũng không biết gì rồi hỏi mình làm chưa, sau đó tiếp tục rủ rê mình là cứ làm nhiệm vụ đi. Nói chung là cảm giác đường dây này rất quy củ, nhiệm vụ phân công rõ ràng để giăng bẫy."

Chị A. cho biết thêm, sau vài lần bị giục như vậy, chị cũng thử làm khoảng 3 nhiệm vụ. Mỗi nhiệm vụ chị nhận được 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng, tiền được chuyển khoản ngay lập tức. Tuy nhiên đến các nhiệm vụ sau, đối tượng yêu cầu chị phải chuyển khoản trước, số tiền khoảng 1 triệu để nhận lại ngay 1 triệu 250 ngàn thì chị A. không thực hiện nữa. Cuối cùng, sau vài lời trao đổi qua lại, các đối tượng tỏ thái độ (thậm chí có lời lẽ không hay) với chị A. và cho chị ra khỏi nhóm kín này.

Trường hợp của chị A. có lẽ chỉ là một trong số ít người sớm nhận ra thủ đoạn lừa đảo và không bị thiệt hại tài sản. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn tồn tại ở những người nhẹ dạ, ít tiếp xúc với mạng xã hội, những người lớn tuổi tại các vùng quê nghèo...

Về vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối này, Thượng tá, TS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, Phó trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân nhấn mạnh: "Tác động nhiều nhất vẫn là đến người già, nghỉ hưu, các bác ít có điều kiện tiếp cận thông tin, dù cảnh báo rồi nhưng cũng không hiểu, rồi đột nhiên có điện thoại gọi tới thì lại làm theo, thì có lẽ do chủ quan và nắm công nghệ chưa tốt nên thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, với số lượng lớn. Người dân cần cảnh giác, cuối cùng vẫn là chuyển khoản hay cung cấp thông tin, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của người lạ mà chỉ sau một cuộc gọi, rồi các thông tin cá nhân của mình cũng cần bảo mật không cung cấp lung tung.”

VOV Giao thông cũng từng nhiều lần đưa tin về các trường hợp mạo danh luật sư, công ty luật, thậm chí Cơ quan Công an để lừa đảo nạn nhân rằng chúng có thể giúp thu hồi tiền bị treo, bị lừa trên mạng với chi phí hợp lý. Xin hãy cảnh giác bởi rất có thể nạn nhân sẽ tiếp tục bị lừa tới lần thứ 2 chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, thậm chí không dám báo với gia đình và công an mà muốn tự mình giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về các thủ đoạn lừa đảo và thông tin tới quý vị trong các chuyên mục tiếp theo.

Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn