Phong trào chạy bộ: Để vui khỏe nhưng không bát nháo

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các giải chạy đang “bùng nổ” ở các nơi, do nhiều đơn vị tổ chức, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.

Thế nhưng không ít giải chạy bị thương mại hóa, chưa đảm bảo an toàn cho người chạy. Đây là vấn đề cần nhìn nhận lại để các giải chạy đi vào chiều sâu, chất lượng hơn. 

Theo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, năm 2023 chỉ tính riêng các giải bán marathon, marathon, siêu marathon được tổ chức trên toàn quốc đã lên tới hơn 60 giải; gồm chạy đường bằng (road) cự ly thông thường từ 5km đến 42km và chạy điều kiện tự nhiên (trail) cự ly từ 15km đến 100km, các giải phong trào với cự ly ngắn hơn trong phạm vi nội ô, do các cơ quan, đoàn thể hoặc doanh nghiệp tổ chức nhân các sự kiện chính trị, xã hội. Riêng ba tháng đầu năm 2024 đã có trên 20 giải thế này được diễn ra.

Chạy bộ là hoạt động thể thao đơn giản mang lợi ích cho sức khỏe, đây là lý do mà anh Nguyễn Thanh Phong – một người làm kinh doanh, dành thời gian tham gia ít nhất một đến hai giải chạy trong năm. Sau 2 năm liền dự giải chạy tại Cần Thơ, dù không là vận động viên chuyên nghiệp nhưng anh rất quan tâm đến khâu tổ chức làm sao để được an toàn trong khi chạy.

“Lý do đầu tiên đến với chạy bộ là sức khỏe, sau đó mới thấy môn chạy bộ là môn có quá nhiều thứ để học. Hai năm liên tiếp chạy giải Cần Thơ và thấy công tác tổ chức tại Cần Thơ chưa tốt, không siết chặt quản lý khiến người chạy chung với dòng xe thì rất nguy hiểm, vấn đề này mình rất quan tâm”.

Chạy bộ là hoạt động thể thao đơn giản mang lợi ích cho sức khỏe

Trong khi đó, ca sĩ Đức Tuấn, người tham gia hơn 100 giải chạy trên toàn quốc và các nước trong suốt 4 năm, mục tiêu của anh là các giải chạy lớn, có uy tín, bởi khâu tổ chức, chất lượng đường chạy đến mức độ an toàn cho các vận động viên được đảm bảo hơn.

Liên quan đến một số sự cố tại giải chạy bộ vừa qua, như Giải chạy bộ đêm âm nhạc tại Cần Thơ (ngày 13/4) vận động viên phải chạy len lỏi dưới dòng xe cộ hay việc nam thanh niên bị ngưng tim khi tham gia Giải chạy Tây Hồ Half Marathon tại Hà Nội (ngày 14/4), ca sĩ Đức Tuấn cho rằng:

“Các giải chạy ngoài tổ chức an ninh một cách tương đối trên đường chạy thì việc đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe của vận động viên mỗi người phải dựa trên tiêu chí của ban tổ chức đưa ra tự đánh giá, xem xét điều kiện sức khỏe của mình có đủ hay không.

Thực chất hiện nay khi tham gia các giải chạy, chúng ta phải ký giấy ễn trừ trách nhiệm. Khi có bất cứ không may nào xảy ra chúng ta không thể trách cứ ban tổ chức. Những giải chạy đường trường, đặc biệt các cự ly từ 21km trở lên bắt buộc phải có sự luyện tập nếu chúng ta muốn có những cuộc vui, hấp dẫn mà an toàn cho bản thân”.

Thạc sĩ bác sĩ Đinh Huỳnh Linh - Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, khó để tầm soát, tổ chức khám sức khỏe trước cho người chạy, do số lượng tham gia quá đông. Quan trọng là khâu tổ chức y tế tại chỗ, nhất là cấp cứu ngoại viện cần được các nhà tổ chức giải và nhà nước quan tâm.

“Cấp cứu ngoại viện Việt Nam thật sự chưa tốt, chưa nói đến cấp cứu ngoại viện các giải đấu thể thao, đặc biệt là các giải chạy. Ta thấy tỷ lệ biến cố ngừng tim khi chạy là không cao, tuy nhiên khi xảy ra biến cố thì tỷ lệ tử vong rất lớn vì thế cần có xử lý kịp thời.

Xử lý kịp thời ở đây bao gồm là trang thiết bị dụng cụ, tối thiểu phải có máy sốc điện, ống nội khí quản và các thuốc cấp cứu. Đây là điều tất cả các ban tổ chức giải chạy lớn phải chú ý cấp cứu, xử lý khi có biến cố”.

Để tránh những rủi ro về sức khỏe khi tham gia các giải chạy, Thạc sĩ bác sĩ Đinh Huỳnh Linh đưa ra lời khuyên:

“Trước tiên, khi tham dự các giải chạy, chúng ta cần phải tập luyện, có đủ thời gian tích lũy để nâng cao thể lực. Thứ hai, khi vào giải, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ dinh dưỡng, nước điện giải. Trong lúc chạy, chúng ta cần khởi động chậm rãi, tuyệt đối đừng để đám đông cuốn mình theo về sau sẽ cạn kiệt năng lượng và có những tình trạng sức khỏe không hay”.

Rất khó để tầm soát, tổ chức khám sức khỏe trước cho người chạy, do số lượng tham gia quá đông

Nói về khâu tổ chức các giải chạy, ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết, TPHCM đã tổ chức giải chạy bộ từ năm 1992. Từ đó đến nay, các giải chạy phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương và UBND TPHCM cấp phép.

Thế nên các giải chạy phải tuân thủ theo luật thể dục thể thao, các quy định luật hiện hành như Sở GTVT, Sở Xây dựng khi sử dụng lòng đường, vỉa hè để làm nơi tổ chức giải. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Nhân cũng thừa nhận rằng một số giải hiện nay còn mang tính thương mại hóa.

“Hiện nay lĩnh vực thể dục thể thao mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn mà chúng ta thường gọi là kinh tế thể thao. Làm gì có chuyện chúng ta bỏ tiền ra chúng ta chạy, hiện nay theo nhu cầu của người dân muốn trải nghiệm, muốn có được chất lượng tốt nhất để tham gia. Nên các doanh nghiệp tìm ra những đặc sản riêng, những đặc sắc riêng mà không loại trừ những doanh nghiệp họ chỉ để mục đích ý nghĩa không phù hợp”.

Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM sẽ tham mưu cho thành phố làm sao các giải chạy đáp ứng đủ các điều kiện như một địa bàn không thể tổ chức nhiều giải. Hai là rà soát thật kỹ về mục đích ý nghĩa của các giải như từ thiện, lan tỏa tinh thần thể chất... để các giải chạy đi vào chất lượng và quy cũ hơn. 

Cơn sốt marathon cứ tăng nhiệt dần dần theo năm tháng. Nhưng, giống như mọi cơn sốt, vừa giúp chống chịu đề kháng với viêm nhiễm, vừa có thể tạo ra biến chứng. Marathon cũng vậy (Ảnh: Soha)

Marathon sốt nhưng đừng quá

 

Nếu như ngược trở lại 10 năm về trước, nói đến các cuộc thi marathon phong trào, người ta chỉ biết đến hai cuộc thi truyền thống là giải chạy báo Hà Nội Mới và giải việt dã báo Tiền Phong. Nhưng những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng có một vài giải chạy.

Người người tham gia chạy marathon, nhà nhà tổ chức giải chạy. Các tờ báo, các tờ tạp chí tổ chức giải vì có cơ hội tìm kiếm tài trợ, các ngân hàng tổ chức giải chạy để quảng bá thương hiệu và tăng số lượng người sử dụng ứng dụng (thông qua việc đăng ký tham dự). 

Khi các giải chạy được tổ chức nhiều hơn, việc tham gia dễ dàng với đủ mọi cự ly, số lượng người dân tham gia nhiều hơn, thì nguồn thu từ phí tham dự cũng là một nguồn lợi đáng kể, đủ sức hấp dẫn các đơn vị tổ chức. Cơn sốt marathon cứ tăng nhiệt dần dần theo năm tháng. Nhưng, giống như mọi cơn sốt, vừa giúp chống chịu đề kháng với viêm nhiễm, vừa có thể tạo ra biến chứng. Marathon cũng vậy.

Cơn sốt marathon rõ ràng thúc đẩy thói quen vận động của dân chúng. Người ta nói về chạy bộ nhiều hơn, và nhiều người trong số đó cũng chạy thật chứ không chỉ nói. Các nhà tổ chức, để cạnh tranh cũng tìm tòi nhiều hơn nhằm mở ra những đường chạy mới, hấp dẫn, thú vị hơn. Điều này trên thực tế đã thúc đẩy du lịch phát triển ở nhiều địa phương.

Dù vậy, mặt tiêu cực của các cuộc thi chạy bộ cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Từ những bê bối trong việc tổ chức giải, đến tài chính, và đặc biệt là sự an toàn của người chạy. Những vụ đột quỵ trên đường chạy xuất hiện ngày càng nhiều.

Bất cứ môn thể thao nào cũng có thể tốt, hoặc có thể xấu đối với những thể trạng khác nhau. Chạy bộ cũng thế. Không phải ai cũng phù hợp với môn thể thao này. Nhưng, chúng ta rất ít khi gặp những khuyến cáo về sức khoẻ từ những nhà tổ chức. Bất cứ ai cũng có thể dự giải marathon, ễn là nộp phí.

Đã đến lúc các giải chạy marathon cần được quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là về vấn đề an toàn (Ảnh: iRace)

Tôi có một người đồng nghiệp, dù sức khoẻ không thực sự tốt, nhưng hầu như không bỏ lỡ bất cứ giải chạy nào, nếu không có việc bận quan trọng. Cuộc thi chạy nào anh ấy cũng có nhiều ảnh đẹp, và cuộc nào cũng phải dừng bước trước vạch đích. Không những thế, sau mỗi giải chạy, tôi đều nhận được đơn xin nghỉ ốm của anh ấy. Ít thì cũng vài ba ngày mới có thể bình phục.

Trên facebook của tôi, dịp cuối tuần nào cũng tràn ngập hình ảnh người quen tưng bừng tham dự các giải chạy. Và tôi đã nghĩ, nếu như các giải chạy không bố trí đội ngũ chụp ảnh, nếu như facebook hạn chế tương tác các hình ảnh chạy bộ, rất có thể phần lớn “vận động viên sẽ giã từ đường chạy”.

Chạy marathon là một môn thể thao đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật và sức bền ở mức cao. Dù vậy, môn thể thao này đang được truyền thông như một lối sống. Điều đó ít nhiều dẫn đến ngộ nhận ở nhiều người là chỉ cần thích chạy là chạy thôi.

Nếu đã chạy được 5km thì đăng ký thử sức ở 10km và cao hơn. Với không ít người, tham gia các giải chạy marathon không hẳn là thể thao, mà là các cuộc chơi có thành tích, để kết nối cộng đồng, để giải trí…

Những mục đích đó cũng tốt thôi, nhưng điều đáng tiếc là nhiều người vì vui mà quên mất những nguy cơ có thể gặp phải nếu bỏ qua các yếu tố an toàn cần thiết để theo một môn thể thao thành tích cao.

Những vụ đột quỵ lấy đi tính mạng của các “vận động viên” ở các giải marathon trong thời gian gần đây là những tiếng chuông cảnh báo. Đã đến lúc các giải chạy marathon cần được quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là về vấn đề an toàn.

Ví dụ, các nhà tổ chức giải cần được ràng buộc trách nhiệm pháp lý về sự an toàn của các “vận động viên. Có thể cần các quy định về tầm soát y tế trước khi tham dự giải. Cần có sự tham gia của các chuyên gia y tế thể thao trong thành phần ban tổ chức…

Những quy định, ràng buộc đó, có thể gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức giải, có thể khiến cơn sốt marathon phần nào hạ nhiệt. Nhưng đó là điều cần thiết, vì các cơn sốt đều phải hạ nhiệt thôi, mọi hoạt động của con người đều cần được diễn ra một cách lành mạnh, chứ không phải được duy trì như những cơn sốt.