Phòng dịch sốt xuất huyết: Cần mỗi người dân chung tay khống chế

Hiện nay đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, số ca mắt vẫn đang tăng, bệnh nhân đã có ở tất cả các quận huyện thị xã trên địa bàn và đặc biệt đã có 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Vậy giải pháp nào để đảm sức khỏe cho người dân và cộng đồng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc? Người dân cần làm gì để chủ động phòng chống sốt xuất huyết?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh nội dung này.

 

TS. Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

PV: Xin bà cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay trên địa bàn Hà Nội?

TS. Trần Thị Nhị Hà: Theo số liệu giám sát, tính đến ngày 25/10/2023, toàn Thành phố đã có trên 23.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp tử vong. Các trường hợp tử vong do bệnh nhân tự điều trị tại nhà và đến bệnh viện rất muộn khi diễn biến bệnh đã quá nặng. Hiện số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ 2022 và các năm gần đây. Bệnh nhân đã có ở 30/30 quận, huyện, thị xã và 572/579 xã, phường, thị trấn.

Hiện tại, đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội với trung bình khoảng 2.600 trường hợp mắc bệnh một tuần, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp trong tháng 11 năm nay. Hà Nội hiện đang lưu hành cả 2 tuýp là DEN1 và DEN2.

PV: Trước tình hình đó, xin bà cho biết các biện pháp phòng chống dịch đối với các cấp chính quyền trong thời gian này?

TS. Trần Thị Nhị Hà: UBND TP. Hà Nội đã có nhiều kế hoạch, công điện về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch trên địa bàn và tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, toàn diện, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao…với sự tham gia của toàn thể các ban, ngành và nhân dân.

Các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm; củng cố các đội giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết ngay tại cộng đồng và quan trọng nhất là người dân phải tham gia vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Đặc biệt, người dân chính là những chiến sĩ tại cộng đồng giúp khống chế dịch sốt xuất huyết.

TS. Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng

PV: Vậy bà có khuyến cáo gì trong phòng chống sốt xuất huyết đối với người dân?

TS. Trần Thị Nhị Hà: Thời điểm hiện tại đang là cao điểm về sốt xuất huyết tại Hà Nội, số ca mắc vẫn đang tăng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng và không để xảy ra hậu quả đáng tiếc, chúng tôi đề nghị mỗi người dân chung tay góp phần làm giảm sốt xuất huyết bằng cách loại trừ các ổ bọ gậy, các vật dụng chứa nước có thể có bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà, thực hiện khẩu hiệu “không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết”.

Phòng tránh tối đa bị muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng vợt, bôi thuốc xua muỗi để hạn chế muỗi đốt. Mỗi người dân tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân tạo những nhóm zalo để giám sát, phát hiện sớm những bệnh nhân có dấu hiệu sốt ngay tại cộng đồng. Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, nhất là trong khu vực đã có nhiều người bị bệnh sốt xuất huyết thì người dân phải khai báo cho trạm y tế gần nhất, đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, các bệnh viện, tuyệt đối không được chủ quan tự chữa bệnh tại nhà, dùng thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ, để bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong có thể xảy ra.

Mỗi người dân hãy là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa những thông điệp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tham gia tổ xung kích diệt bọ gậy ngay tại địa bàn tổ dân phố và cụm dân cư.

PV: Xin cảm ơn bà.