Phát triển buýt nhanh BRT tại Hà Nội: Cần nguồn lực lớn

VOVGT - Việc dành riêng một làn đường cho buýt nhanh đã gặp không ít phản ứng trái chiều từ người tham gia giao thông…

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên tại thủ đô đi vào hoạt động thí điểm trong một năm qua đã thu hút được đông đảo người dân sử dụng

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên tại thủ đô đi vào hoạt động thí điểm trong một năm qua đã thu hút được đông đảo người dân sử dụng. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng tuyến buýt nhanh số 01 vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần khắc phục.

Theo xu hướng của giao thông hiện đại, vẫn cần áp dụng nhiều hơn nữa mô hình giao thông công cộng như buýt nhanh. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nguồn lực yếu, việc triển khai các tuyến buýt nhanh tiếp theo sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với ngành giao thông thủ đô.

 

Tuyến buýt nhanh BRT ra đời nhằm mục đích mang đến một loại phương tiện công cộng giá rẻ, hiện đại, hướng người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hơn một năm đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT số 01 tại Hà Nội đã phần nào đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Không chỉ thu thút được đông đảo người dân tham gia sử dụng, tuyến buýt còn tạo ra một trật tự mới trên hành lang giao thông. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến tuyến buýt gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình vận hành.

Theo Thạc sỹ Đinh Quốc Thái – Chuyên gia giao thông đô thị, việc dành một phần đường riêng cho buýt nhanh BRT là yêu cầu cần thiết để vận hành tuyến. Thế nhưng, không giống như các đô thị lớn trên thế giới, cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội vẫn đang trong quá trình phát triển, hầu hết các tuyến đường chưa đủ điều kiện để áp dụng cho mô hình buýt nhanh hoạt động.

Trong đó, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ là những tuyến đường huyết mạch của thủ đô, được thiết kế khá rộng, nhưng trước đây cũng chưa hề được tính toán để triển khai buýt nhanh. Ông Đinh Quốc Thái cho biết:

“Tôi cũng là người trực tiếp thiết kế bề rộng mặt cắt của tuyến đường này, tuy nhiên khi đó bản thân thôi cũng chưa nghĩ sẽ bố trí tuyến đường buýt nhanh vào đây. Khi mật độ tham gia giao thông cao, Hà Nội áp dụng tuyến buýt nhanh vào tuyến đường này, tôi thấy về mặt chủ trương là đúng, chỉ có điều khác là mặt đường bố trí chưa được tương xứng. Vì vậy, khi bố trí một làn riêng dành cho xe buýt vào đây chắc chắn có ảnh hưởng tương đối tới năng lực thông hành của mặt đường toàn tuyến”.

Việc dành riêng một làn đường cho buýt nhanh đã gặp không ít phản ứng trái chiều từ người tham gia giao thông. Đặc biệt, vào khung giờ cao điểm, trong khi làn đường dành cho các phương tiện hỗn hợp chen chúc, thì đường dành riêng cho buýt nhanh lại tỏ ra khá “lãng phí”.

Việc dành riêng một làn đường cho buýt nhanh đã gặp không ít phản ứng trái chiều từ người tham gia giao thông

Bởi vậy, việc lấn làn, di chuyển hỗn loạn đã xảy ra phổ biến trong những ngày đầu tuyến buýt đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian điều chỉnh, bằng thông tin tuyên truyền và quy định pháp luật, một trật tự giao thông mới cũng dần được hình thành và đi vào ổn định.

Cho đến nay, ngành chức năng vẫn tiếp tục cải thiện và hoàn chỉnh dịch vụ của buýt nhanh BRT số 01, nhằm đạt được thiết kế như mong muốn. Đồng thời, tạo đà phát triển để mở rộng thêm các tuyến buýt nhanh khác tại Hà Nội. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết:

“Chúng ta có một quy hoạch trong giao thông vận tải của Hà Nội thì có 8 tuyến BRT. Từ bài học của tuyến BRT 01 sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất ở những hành lang thuận tiện, những khu vực vành đai, khu vực hướng tâm. Đồng thời, trong đề án quy hoạch cũng nêu rõ là những đoạn tuyến trong tương lai sẽ xây dựng những đường sắt, nếu có điều kiện có thể triển khai trước bằng mô hình BRT này”.

Mặc dù, theo quy hoạch sẽ có thêm nhiều tuyến buýt nhanh xuất hiện tại thủ đô, nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành chức năng đang phải đối mặt với những vấn đề rất lớn trong quá trình nghiên cứu, triển khai. Theo đó, vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực được thạc sỹ Đinh Quốc Thái nhấn mạnh:

“Khó khăn để phát triển buýt nhanh tại Hà Nội đến từ hai vấn đề, vấn đề cốt lõi nhất là về hạ tầng giao thông. Những tuyến đường hiện trạng ở Hà Nội rất khó để mở rộng, một số tuyến ở ngoài khu vực đô thị trung tâm thì cũng có quy hoạch mở rộng, tuy nhiên cái khó thứ hai là tiền. Tức là kinh phí để mở rộng tuyến đường, kinh phí để đầu tư vào phương tiện, hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Chúng ta phải kêu gọi mọi nguồn lực, các nguồn vốn xã hội hóa khác mới có thể mở rộng thêm các tuyến buýt nhanh trong tương lai”.

Ngoài ra, với mạng lưới xe buýt đang khá dày tại Hà Nội, việc bố trí thêm các tuyến buýt nhanh đòi hỏi ngành chức năng phải quy hoạch lại hệ thống. Cần bố trí luồng, tuyến phù hợp, tránh chồng chéo, đảm bảo cho người dân tiếp cận xe buýt một cách thuận tiện và an toàn.

Trong quá trình phát triển giao thông đô thị tại Hà Nội, sẽ có nhiều mô hình vận tải hiện đại được áp dụng, góp phần hình thành mạng lưới giao thông thông nh, tiện lợi, thân thiện với môi trường. Buýt nhanh sẽ là một trong những mô hình được ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để triển khai được hệ thống này, ngành chức năng cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về hạ tầng cơ sở cũng như kêu gọi được nguồn lực đầu tư lớn. Hướng tới một tương lai không xa, người dân sẽ được sử dụng những dịch vụ vận tải công cộng thực sự văn nh và tiện lợi.