Phần mềm chống đổ trộm, khắc tinh của rác mồ côi

Không chỉ là phần mềm hỗ trợ quản lý và phân loại rác thải, ứng dụng Grac đã và đang trở thành công cụ đắc lực cho các nhà quản lý trong việc xử lý tình trạng đổ trộm rác rải tại TPHCM - một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay của TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác.

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Minh – Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Grac về hoạt động của ứng dụng này.

PV: Tại 1 sự kiện liên quan đến rác thải vừa qua, nhiều đại biểu tham dự có phần ngạc nhiên khi nghe đến khái niệm “Rác mồ côi” do ông đề cập. Ông có thể cho biết cụ thể về khái niệm này?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Đây là 1 thuật ngữ dân dã, "Rác mồ côi" là không xác định được đối tượng sở hữu, theo luật định thì nếu không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan nhà nước phải chi trả để dọn dẹp.

Thực tế, lượng rác mồ côi đang có xu hướng giảm, tuy nhiên để giải quyết dứt điểm thì không hoàn toàn, vì người dân sẽ có xu hướng thuê xe ba gác đi đổ trộm ở nơi khác ngoài địa bàn cư trú. Khó mà giải quyết dứt điểm nhanh chóng nếu không có giải pháp tốt hơn.

Ông Nguyễn Trọng Minh – Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Grac

 

PV: Vậy Grac có điểm gì đặc biệt so với các giải pháp trước đây?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Tôi nghĩ điểm đặc biệt là các cơ quan nhà nước đã và đang dùng phần mềm Grac trong chuyển đổi số thì chỉ cần lồng ghép và sử dụng hết chức năng của ứng dụng này.

Dù chức năng báo cáo đã có nhưng còn khá mới mẻ, nếu áp dụng thêm sẽ không làm phát sinh chi phí, không phát sinh nhân công mà chúng ta hoàn toàn có thể mời thêm các Mặt trận hoặc Đoàn thể cùng tham gia.

Hiện nay, vốn sự nghiệp môi trường sẽ chi trả cho Grac, người dân không phải tốn thêm chi phí gì cả.

PV: Hiện nay, Grac đã kết nối với bao nhiêu xã phường thị trấn tại TP.HCM và hiệu quả sau thời gian triển khai vừa rồi như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Thống kê cho thấy đã có hơn 150 phường xã sử dụng Grac và dự kiến đến cuối năm sẽ có hơn 200 đơn vị phường xã sẽ sử dụng. Thống kê chưa đầy đủ thì bình quân mỗi tháng Grac ghi nhận khoảng 100 vụ vi phạm đổ trộm rác. Đối với người dân, đây là cái mới nên họ rất hưởng ứng, nhưng vẫn chưa phải là một thói quen.

Hiện nay, các phường đã sử dụng Grac trong quá trình chuyển đổi số, chức năng thì họ biết hết rồi nhưng chưa sử dụng trơn tru cũng như chưa phổ biến lắm đến người dân. Năm nay mới bắt đầu sử dụng nhưng chưa phổ biến các chức năng tức là việc chuyển đổi số mới ở giai đoạn số hoá và áp dụng chứ chưa dùng để thu tiền vận chuyển rác, giám sát người dân…

Chúng tôi thấy quận 3 và Gò Vấp thì phổ biến hơn, tức là chức năng phát hiện hành vi được sử dụng nhiều hơn còn các địa phương khác mới chỉ áp dụng phần mềm nhưng chưa phổ biến nhiều đến người dân. Tôi cho rằng khu vực nào, địa phương nào phải bỏ nhiều ngân sách để xử lý tình trạng đổ rác trộm thì lãnh đạo cũng sẽ đề nghị sớm phổ biến đến người dân.

PV: Ông có thể chia sẻ một cách chi tiết về quy trình tiếp nhận và xử lý của Grac?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Khi người dân phát hiện hành vi rồi tiến hành chụp hình quay phim câp nhật địa chỉ trên phần mềm, khi đó dữ liệu sẽ đẩy trực tiếp đến Ủy ban phường tại khu vực cùng lúc với đơn vị thu gom rác. Khi Ủy ban phường xác định được hành vi thì người vi phạm sẽ phải trả tiền thu gom rác.

Tôi nghĩ trong năm nay các Quận huyện sẽ tập trung cho xong phần số hoá, nếu như các địa phương như quận 3 đã số hoá xong thì sẽ sử dụng trọn vẹn còn các địa phương khác đang trong giai đoạn số hoá nên mình phải hỗ trợ đẩy dữ liệu lên để số hoá dần dần, khá vất vả. Chúng tôi hi vọng từ năm sau, ứng dụng này sẽ được phổ biến nhiều hơn.

PV: Xin cám ơn Ông!