Paris đã giải quyết bài toán ùn tắc giao thông nhờ xe đạp như thế nào?

Cuộc khảo sát mới đây cho thấy số người đi xe đạp trên đường phố Paris (Pháp) tăng hơn 50%. Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của xe đạp không chỉ do ảnh hưởng của Covid-19, mà là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua của chính quyền

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cuộc khảo sát mới đây cho thấy số người đi xe đạp trên đường phố Paris (Pháp) tăng hơn 50%. Ảnh: AFP

Ông Stein van Oosteren-một chuyên gia người Hà Lan, rất tâm huyết với việc khuyến khích đi xe đạp tại Paris (Pháp) chia sẻ, vào một buổi chiều khi đang đạp xe trên Đại lộ Denfert Rochereau, ông ngạc nhiên khi nhận ra mình đang ở trong một "đoàn lữ hành" xe đạp.

“Tôi đi xe đạp ở Paris trong hơn 20 năm; ban đầu, chỉ có một vài người chúng tôi. Trong hai năm trở lại đây, số lượng người đi xe đạp bắt đầu tăng lên. Và kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, lượng người sử dụng xe đạp bùng nổ”, ông Stein van Oosteren nói.

Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 5, hơn 15.000 người đăng ký một năm sử dụng hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng Velib.

Được biết, trong thời gian phong tỏa do dịch Covid-19, Paris quy hoạch các làn đường tạm thời dành riêng cho xe đạp với tổng chiều dài 50 km ở các tuyến đường vành đai, và 100 km ở vùng ngoại ô.

Ông Cédric Laurent, chủ cửa hàng xe đạp Laurent cho biết: Doanh thu tăng mạnh trong những ngày gần đây: “Trong khoảng 10 năm nay, trung bình mỗi ngày bán được 2 chiếc xe đạp. Thế nhưng, kể từ sau đợt phong tỏa, chúng tôi bán được tới 10 chiếc/ngày”.

Bà Diane Shenouda đang chọn cho mình một chiếc xe đạp chia sẻ: “Tôi rất sợ sử dụng phương tiện công cộng. Vì thế, tôi đã phải đi bộ khi quay trở lại làm việc. Bây giờ tôi muốn mua một chiếc xe đạp. Thêm nữa, thời tiết đang nắng đẹp; do vậy, đây là sự lựa chọn tốt nhất”.

Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 5, hơn 15.000 người đăng ký một năm sử dụng hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng Velib. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây còn là kết quả của kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm cắt giảm ô nhiễm và ùn tắc.

Stefan Bendiks, giám đốc của Artgineering, một công ty thiết kế di động có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho biết: “Điều kỳ diệu ở Paris không chỉ là việc họ tạo ra làn đường dành cho xe đạp, đó chỉ là phần nổi mà thôi. Họ đã làm việc trong nhiều năm với một chiến lược nhất quán để cải thiện thành phố”.

Một người nước ngoài nêu ý kiến: “Tôi thực sự ấn tượng với những gì Paris đã làm được. Những tuyến đường dành cho xe đạp trông như thể đường cao tốc vậy. Tôi đến từ Hi Lạp, và ở đó tôi không thấy những tuyến đường xe đạp như thế này”.

Nhiều người dân Paris cũng tái sử dụng những chiếc xe đạp cũ của họ, sau khi chính phủ hỗ trợ 50 euro (57 USD) giúp sửa chữa xe đạp. Sáng kiến được đưa ra ngày 11/5 vừa qua với ngân sách ước tính 20 triệu euro, dự kiến sẽ giúp sửa chữa 300.000 xe đạp cũ từ nay đến cuối năm 2020. Nhưng mục tiêu này đã gần hoàn thành chỉ trong vòng một tháng rưỡi.

Các cửa hàng sửa xe đạp hiện vô cùng bận rộn, nếu muốn sửa chữa, phải chờ từ 1,5 tháng đến 3 tháng, ngay cả đối với những lỗi đơn giản nhất.

Anh Joseph Truflandier, chủ cửa hàng xe đạp VanMoof chia sẻ: “Chúng tôi đã kín lịch cho thuê và sửa chữa xe đạp trong tháng 7. Có một thực tế, tôi có những khách hàng chưa bao giờ đi xe đạp. Họ đang tìm kiếm phương tiện đi lại trong thành phố vì vậy họ đã đến với chúng tôi”.

Kể từ năm 2015, chính quyền Paris đã đầu tư 150 triệu euro nhằm trở thành một trong những "thủ đô xe đạp” trên thế giới; với mục tiêu tăng gấp đôi chiều dài làn đường xe đạp từ 700km đến 1.400km, quy hoạch 10.000 điểm đỗ xe đạp và nâng cấp hệ thống Velib’, đang trong tình trạng xuống cấp.

Ông Stein van Oosteren, chuyên gia người Hà Lan đã sống tại Paris hơn 20 năm cho rằng, đó thực sự là một cuộc cách mạng.

Các cửa hàng sửa xe đạp hiện vô cùng bận rộn, nếu muốn sửa chữa, phải chờ từ 1,5 tháng đến 3 tháng, ngay cả đối với những lỗi đơn giản nhất. Ảnh: AFP

Hiện 70 thành phố và thị trấn trong vùng Paris lên kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng xe đạp ở toàn vùng Paris đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1995, lên 25 triệu euro/năm. Tại Strasbourg, Bordeaux, Grenoble và các thành phố khác, hơn 10% số chuyến đi từ nhà đến cơ quan và ngược lại được thực hiện bằng xe đạp.

Angela van der Kloof, nhà nghiên cứu tại Mobycon, một mạng lưới các chuyên gia về xe đạp của Hà Lan cho rằng nếu Paris có thể lôi kéo người dân sử dụng xe đạp thì không có lý do gì mà nhiều thành phố khác trên thế giới không thể làm được.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện các thành phố đều chưa có chiến lược cụ thể cho phát triển xe đạp, quan tâm tới vấn đề an toàn, nhất là hạ tầng hỗ trợ cho xe đạp. Việc thiếu những chính sách và hạ tầng cho xe đạp đã khiến người dân không mặn mà với loại hình này.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, ùn tắc ở các đô thị, cần phát triển giao thông xanh, trong đó đầu tư xây dựng những tuyến đường dành riêng cho xe đạp, hoàn thiện hạ tầng đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cho thuê xe đạp giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối với hệ thống vận tải công cộng. Có như vậy, mới thu hút được người dân lựa chọn loại phương tiện xanh và sạch này.