Nơm nớp sống trong nhà trọ thiếu PCCC

Thời gian qua, ở Hà Nội liên tục xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nặng về tính mạng và tài sản của người dân. Điều đáng nói, nhiều công trình nhà ở cho thuê hay còn gọi là nhà trọ nằm trong các khu dân cư, sâu ngõ nhỏ, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận khi xảy ra sự cố.

Các khu nhà trọ này cũng không đảm bảo phương tiện PCCC tại chỗ, không có lối thoát nạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt trong khi thời tiết đang nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay.

Nằm sâu trong khu phố Đông Quan (Cầu Giấy, Hà Nội), là khu vực đông dân cư, gần chợ dân sinh với mức chi phí trung bình 3,5 triệu đồng/tháng khiến khu vực này luôn trong thu hút nhiều người lao động và sinh viên đến thuê phòng trọ.

Nhà trọ của Hoa (một nhân viên văn phòng trên địa bàn quận Cầu Giấy) có 6 phòng, mỗi phòng chưa đến 30m2 nhưng chỉ có 1 đường ra vào duy nhất chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau. Con “đường độc đạo” này cũng được tận dụng làm nơi để đủ thứ… từ xe máy, xe đạp, bàn ghế, bếp nấu ăn… thế nhưng, thứ duy nhất không có tại đây là bình cứu hỏa hay các thiết bị PCCC.

Hoa cho biết, đây đã là lần thứ 3 chuyển phòng trọ trong năm nay, thế nhưng cũng chẳng tìm được phòng trọ nào khác an toàn hơn vì cả khu vực này đều không đảm bảo PCCC như nhau: 

“Ở chỗ mình sống hiện tại đang không có phòng cháy chữa cháy và cũng không có lối thoát hiểm, chỉ có cầu thang lên các tầng bình thường thôi. Nếu như có cháy thực sự là làm cách nào khác ngoài lối thoát ở ban công.

Thực ra chúng mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề nếu cháy thì sẽ làm như thế nào rồi, chủ nhà cũng chưa trang bị phòng cháy chữa cháy, nên khá lo lắng. Mình nghĩ là chủ trọ nên trang bị phòng cháy chữa cháy 100%, đảm bảo an toàn cho người thuê trọ và người dân sống ở khu vực xung quanh.

Mình nghĩ việc kiểm tra PCCC nên chặt chẽ hơn vì mình thấy hiện tại khá nhiều nhà trọ chưa được trang bị PCCC. Bạn bè của hiện tại vẫn đang sống ở khu trọ lối vào khá hẹp, không có PCCC, không có lối thoát hiểm, cũng như biện pháp an toàn khi có cháy nổ xảy ra.”

Ảnh nh họa: Quang Hùng

Phải chật vật lắm Kim Chi, sinh viên năm 4 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội mới có thể trở về nhà sau 1 ngày học vất vả. Khu chung cư ni của Chi đang thuê có 3 tầng sử dụng, rộng chưa đến 100m2 nhưng là nơi ở của 15 người, chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng từ các tỉnh lên Hà Nội học tập và làm việc.

Chi cho biết, gọi là chung cư ni cho sang, nhưng thực ra toàn bộ sinh hoạt của Chi và bạn cùng phòng đều gói gọn trong căn phòng rộng chưa đầy 30m2, nếu muốn nấu nướng sẽ phải ra ban công đua ra bên ngoài được gia cố bằng những thanh sắt và lưới mắt cáo để chống trộm: 

"Theo mình thấy hiện tại cơ quan chức năng đã thắt chặt hơn việc phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế theo mình quan sát chỉ là hình thức thôi, tức là được một thời gian sau đó không duy trì nữa. Giống như ở khu trọ cũ của mình chẳng hạn, chủ trọ họ trang bị các thiết bị PCCC nhưng chỉ dừng lại ở việc trang bị như thế thôi.

Nếu mà có cán bộ ở phường tới kiểm tra thì sẽ được nhắc trước và những người thuê trọ như bọn mình cần trình báo là được trang bị và hướng dẫn sử dụng thiết bị PCCC rồi. Trên thực tế thì không, không được sử dụng, chỉ trang bị như thế thôi.”

Theo Hoàng Hà, sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ, do kinh phí của sinh viên eo hẹp nên việc sống trong chung cư ni hay nhà trọ là điều lựa chọn của đa số sinh viên. Mặc dù biết khu nhà trọ đang ở không đủ, thậm chí không có các thiết bị PCCC, thế nhưng cũng thể làm gì hơn bởi chủ nhà thì thờ ơ, còn người thuê thì phải đành tự trang bị các bình cứu hỏa nhỏ hay thang dây để thoát thân nếu có sự cố xảy ra: 

“Bọn em cũng là sinh viên mới lên học nên kinh tế còn eo hẹp, không phải ai cũng đủ khả năng để thuê nhà to hay mặt đường lớn. 2-3 người bọn em ở trong 1 căn rộng 15-20m2 là đủ, như căn của bọn em có phòng ngủ và nhà vệ sinh khép kín.

Còn nấu ăn thì phải ra chuồng cọp ở ban công. Sau vụ việc vừa rồi thì thấy cháy nổ rất sợ, nhưng cũng không biết làm thế nào chỉ biết tự trang bị cho mình thang dây, bình cứu hỏa phòng chống trường hợp xấu nhất thôi”.

Ảnh nh họa: Quang Hùng

Chỉ tính riêng trên địa bàn thủ đô, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra hơn 200 vụ cháy. Trong đó, nhiều vụ cháy để để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân. Hầu hết các vụ hỏa hoạn gây ra hậu quả như vậy đều xảy ra ở những công trình nhà ở, kết hợp kinh doanh thương mại và cho thuê trọ.

Công an TP. Hà Nội cũng đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát an toàn PCCC đối với các khu vực nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Kết quả đợt kiểm tra cho thấy, còn rất nhiều những tồn tại, nếu không được điều chỉnh, xử lý, đều có thể dẫn tới cháy nổ, gây thiệt hại cả về tài sản và tính mạng.

Sau các vụ việc này, người dân đã kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp, quy định cụ thể trong việc xây dựng các lối thoát hiểm. Đồng thời tăng cường các biện pháp PCCC, tập huấn PCCC cho người dân.

Theo UBND TP. Hà Nội, loại hình chung cư ni, nhà trọ hiện đang có nhiều bất cập và tồn tại về xây dựng, PCCC. Vì thế, việc khắc phục theo quy định gặp nhiều khó khăn, nhất là lối thoát nạn, giải pháp chống cháy lan…/.