“Nối dài sự sống” cho những cuốn sách trăm năm tuổi

Sáng 24/4, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã trình làng Gian hàng chuyên phục chế và đóng sách nghệ thuật.

Buổi trò chuyện “Kỹ thuật Phục chế Sách xưa” hưởng ứng Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam cũng thu hút đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi đến tham dự.

Chương trình do các đơn vị Con Mèo Nhỏ và Hán Nôm Đường tổ chức.

Anh Cao Văn Hân – người sáng lập Con Mèo Nhỏ cho biết: “Xuất phát từ tình yêu & sự trân trọng đối với các di sản tri thức lâu đời, các thành viên của Con Mèo Nhỏ đã dành thời gian học hỏi nghiêm túc để thành thạo các kỹ thuật nhằm góp phần phục hồi, kéo dài tuổi thọ cho sách.”

Nhiều năm trong lĩnh vực sưu tầm sách, anh Cao Văn Hân đã gặp gỡ nhiều người & chứng kiến những câu chuyện xúc động xoay quanh việc gìn giữ, bảo tồn & cứu chữa những cuốn sách cổ.

Thấu hiểu nhu cầu của một bộ phận công chúng, đặc biệt là với những ai vẫn đang gìn giữ tủ sách gia đình hay chỉ đơn giản là có tình yêu và sự trân trọng các ấn phẩm xưa và nay, cần có một nơi để gửi gắm những cuốn sách quý của họ cho việc sửa chữa, phục hồi và đóng bìa, anh Cao Văn Hân thành lập Con Mèo Nhỏ như là gian hàng đầu tiên tại đường Sách thành phố Hồ Chí Minh chuyên sâu theo mảng sửa chữa và đóng sách nghệ thuật. Mỗi cuốn sách được mang đến Con Mèo Nhỏ được nâng niu, chăm sóc như một con người thực thụ.

Những chuyên viên ở đây sẽ tìm hiểu tình trạng “sức khỏe” cuốn sách và đưa ra phương án  “chăm sóc và đóng bìa” phù hợp nhất để cải thiện hiện trạng, kéo dài tuổi thọ cuốn sách. Những cuốn sách lâu năm trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử  và dòng thời gian, rơi vào tình trạng hư hỏng, rách nát... đã được tiếp thêm sinh lực để có một cuộc đời mới nhờ vào bàn tay của những người “bác sỹ” sách lành nghề, đầy tâm huyết.

Cùng chung niềm đam mê và nỗ lực lớn trong ngành phục chế sách, diễn giả Bùi Tiến Phúc – người sáng lập Hán Nôm Đường đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị xoay quanh lĩnh vực này. Là một người được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này, nên những câu chuyện của Tiến Phúc tạo nên sự cuốn hút đặc biệt với người nghe. Việc phục chế sách có tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học, hợp lý sẽ mang đến hiệu quả lâu dài.

Để “hồi sinh” thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm, người “Bác sĩ sách” phải có am hiểu sâu sắc về tài liệu đó. Đầu tiên, là việc giải phẫu cuốn sách. Ở công đoạn này, người làm công tác phục chế phải hết sức tỉ mỉ, quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in & lối đóng. Tiếp đó, là hàng loạt các kỹ thuật phục chế hết sức công phu. “Bác sĩ sách” cần ghi chép chi tiết hiện trạng của sách, đánh số trang và tiến hành làm vệ sinh sách, “cứu chữa” với những chất liệu chuyên biệt. Kế đó là kiểm tra độ pH & thử Axit cho giấy. Một công đoạn cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém là nấu hồ & tu bổ cục bộ (vá rách, bổ khuyết), bồi nền.

Đối với thư tịch Hán Nôm, các công việc tiếp theo là gấp trang, ép sách, xếp trang, cố định ruột sách bằng đinh giấy, xén sách (đối với sách bồi nền), chuẩn bị bìa sách và đục lỗ, may sách. Đối với sách chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp (sách đóng kiểu Tây) thì sau bước gấp trang là phải ép các tay sách; đục lỗi, may sách; phục hồi bìa; vào bìa và đóng bìa mới.

Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, Tiến Phúc đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình ệt mài, tu bổ, phục chế những cuốn sách xưa, đặc biệt là những cuốn gia phả của các dòng tộc.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM chia sẻ: “Việc trình làng chính thức một gian hàng chuyên thực hiện công tác sửa chữa, phục chế và đóng sách nghệ thuật, sẽ giúp các bạn đọc sẽ được thưởng lãm những cuốn sách cổ của Châu Âu và Việt Nam hàng trăm năm tuổi được đóng bìa công phu và các công cụ dùng để phục chế sách xưa, sách cũ. Từ nay Đường sách TP. HCM có một điểm hẹn thực thụ để quý bạn đọc có thể an tâm, gửi gắm những cuốn sách cần được chăm sóc. Đây là nét mới ở Đường sách TP. HCM và cũng là điều hiếm thấy ở các đường sách, phố sách trong cả nước”. 

(Hình ảnh trưng bày tại Gian hàng phục chế và đóng sách Nghệ thuật)