Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Nỗi lòng bệnh nhân Ung bướu ĐBSCL

Kim Loan: Thứ bảy 04/05/2024, 09:18 (GMT+7)

Cần Thơ là trung tâm của cả khu vực ĐBSCL trong việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu để điều trị các ca bệnh khó cũng như có hạ tầng nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hơn 20 triệu dân của 13 tỉnh/thành ĐBSCL.

Trọng trách là thế, nhưng ngành y tế của thành phố này đang phải “gồng gánh” khi các bệnh viện điều trị những nhóm bệnh đặc thù đều rơi vào “hoàn cảnh” khó khăn. Tại BV Ung Bướu, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận chờ đợi hơn 1 tháng mới được xạ trị vì cả Vùng chỉ có 1 máy xạ trị mà cũng đã gần hết “tuổi thọ”. 

Trong tiết trời oi bức bởi cái nắng hầm hập trên 37 độ, bước vào bệnh viện Ung Bướu (tọa lạc trên đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cả ngày lẫn đêm, chẳng bệnh nhân nào chợp mắt ngủ được.

Ông Nguyễn Văn Hoàng đến từ tỉnh Vĩnh Long được chẩn đoán là u ác tính nên buộc phải theo phương pháp xạ trị. Nhưng đã hơn 1 tháng nay, ông chờ đợi từng phút để đến lượt của mình. Nắng nóng ngủ không được, ăn không ngon, lại thêm bệnh tật hoành hành cơ thể, ông chỉ có thể chịu đựng chứ không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: "Tôi phải chấp nhận xạ trị ca đêm, có người xạ trị ban ngày thì đỡ còn tôi xạ trị ban đêm phải thức khuya nhưng phải ráng. Có người chờ đợi cả tháng rưỡi mới đến lượt của mình."

Hiện tại BV Ung Bướu Cần Thơ chỉ có 1 máy xạ trị, phục vụ 100 ca/ngày đêm. Số lượng quá tải và máy cũng đã hết tuổi thọ

Hiện tại BV Ung Bướu Cần Thơ chỉ có 1 máy xạ trị, phục vụ 100 ca/ngày đêm. Số lượng quá tải và máy cũng đã hết tuổi thọ

Cả khu vực ĐBSCL chỉ có 2 bệnh viện ung bướu và 9 khoa ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong đó, lớn nhất là bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ nhưng hiện tại bệnh viện này chỉ có 01 máy xạ trị mà phải phục vụ khoảng 100 ca/ngày. Nhu cầu trung bình đối với xạ trị ung thư hiện nay tại bệnh viện là 400 ca/ngày, cho nên nhiều bệnh nhân buộc lòng phải chấp nhận chờ từ 2-4 tháng mới đến lượt của mình. Các y bác sĩ phải chia 03 ca, thay phiên làm việc liên tục từ 5h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau.

Ban Giám đốc bệnh viện đã báo cáo, trình các cơ quan thẩm quyền để xin đầu tư máy xạ trị gia tốc mới với kinh phí 100-120 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này chưa được giải quyết. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Phú Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y Tế TP Cần Thơ cho biết: "Cái máy xạ trị của bệnh viện Ung Bướu đã sử dụng hơn 10 năm, cải tạo nâng cấp hơn 3 lần và hiện nay máy này không còn khả năng nâng cấp nữa vì tuổi thọ đã hết. Để giải quyết thì phía bệnh viện đã có văn bản trình Sở Y Tế tham mưu với UBND thành phố, hiện nay Sở đã trình lên UBND để xin chủ trương đầu tư máy mới bằng hình thức đấu thầu, mà nguồn tiền sẽ vận động từ xã hội hóa."

Bên cạnh thiếu máy xạ trị thì việc điều trị bệnh tạo bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ cũng đang gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi. Vách tường và cầu thang đã xuống cấp nghiêm trọng, thêm phần chật hẹp nên bệnh nhân phải nằm ghép để chờ được lên ca phẫu thuật. Bệnh viện tận dụng cả hành lang để bình ôxy và làm bãi giữ xe. Trong khi đó, dự án xây dựng bệnh viện Ung Bướu mới (tọa lạc đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều) thì chậm tiến độ.

Năm 2017, UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (quy mô 500 giường), rộng 17 nghìn mét vuông, tổng vốn 1.700 tỷ đồng. Trong đây, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là 1.400 tỷ, còn lại là vốn đối ứng của Cần Thơ.

Sau 5 năm, dự án này chỉ mới đạt 21% khối lượng thi công, những khối nhà đã hình thành “trơ thân” dưới nắng. Rêu phong, cỏ dại…đua nhau mọc bám chi chít trên các hạng mục còn dở dang.

Trong khi đó, BV Ung Bướu mới thì xây dựng đã 5 năm nhưng chỉ mới đạt 21% khối lượng công trình

Trong khi đó, BV Ung Bướu mới thì xây dựng đã 5 năm nhưng chỉ mới đạt 21% khối lượng công trình

Từ tháng 7/2022, toàn bộ công nhân lao động đã rút khỏi công trường. UBND TP.Cần Thơ có đề xuất Thủ tướng xin ngừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary, thanh toán phần đã vay, xác định khối lượng đã thực hiện, quyết toán cho các nhà thầu. Sau đó, xin vốn Trung ương, vốn đối ứng địa phương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công việc còn lại. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Phú Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y Tế TP Cần Thơ cho biết thêm:

"BV Ung Bướu đã được Thủ tướng xem xét cho ngưng thực hiện dự án với phía Hungary, chúng tôi đang làm thủ tục thanh quyết toán để chuyển sang giai đoạn đầu tư tiếp theo. Công tác này vẫn đang được khẩn trương thực hiện."

Công tác tầm soát và điều trị bệnh ung bướu tại ĐBSCL thời điểm hiện tại phụ thuộc vào bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (tọa lạc đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều). Đây là bệnh viện được chia tách từ bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ năm 2007 với cơ sở hạ tầng “đơn sơ”. Bệnh viện Ung Bướu mới được kỳ vọng là một bệnh viện hiện đại, đồng bộ cơ sở hạ tầng - nhân lực – thiết bị để tầm soát và điều trị các bệnh ung bướu.

Đồng thời, đây là cơ sở dữ liệu ung thư, kết nối dữ liệu quốc gia và quốc tế để phục vụ cho nghiên cứu đào tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với tình cảnh hiện nay, cả bác sĩ và bệnh nhân đều mong mỏi sớm có bệnh viện mới để người dân có được nơi điều trị rộng rãi, tươm tất hơn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn