Niềm tin của khách tăng trở lại nhưng hàng không còn nhiều thách thức

Khi đại dịch COVID-19 qua đi, hàng không thế giới đang xuất hiện những tín hiệu lạc quan trở lại, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức để lấy lại niềm tin của hành khách.

Cuối năm 2020, khi đại dịch COVID -19 ở giai đoạn cao điểm, Inmarsat, Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ vệ tinh di động toàn cầu, đã tiến hành thu thập ý kiến của gần 10.000 hành khách đi máy bay trên toàn thế giới, nhằm đánh giá mức độ an tâm của hành khách khi bay trong bối cảnh đại dịch.

Khi đại dịch COVID-19 qua đi, hàng không thế giới đang xuất hiện những tín hiệu lạc quan - Ảnh aviationguideem

Khảo sát cho thấy, 80% người được hỏi cho biết, thói quen đi lại bằng máy bay của họ sẽ thay đổi do COVID-19, hơn 40% dự định ít đi lại bằng đường hàng không hơn.

Có thể nói, đây là thời điểm hàng không thế giới gặp vô vàn khó khăn bởi những quy định nghiêm ngặt về cách ly, khẩu trang cùng với đó là lệnh phong tỏa biên giới của các quốc gia và lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu cuối tháng 10 vừa qua của Inmarsat với 11.000 khách du lịch hàng không toàn cầu, 83% người được hỏi cho hay, đã cảm thấy tự tin khi bay trở lại, mức tăng đáng kể so với chỉ 10% ở cùng thời điểm này năm ngoái.

Ông Niels Steenstrup, Chủ tịch Inmarsat Aviation chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi thấy rất nhiều du khách đã tự tin trở lại bầu trời sau đại dịch. Đây là thành quả cho sự tập trung của ngành hàng không trong việc đưa hoạt động bay trở lại đúng hướng một cách nhanh chóng”.

Theo ông Niels Steenstrup, bất chấp những thách thức du lịch đang diễn ra, niềm tin vào du lịch hàng không vẫn đang tăng lên mạnh mẽ. Điều này đúng trên toàn cầu với mức độ tự tin của hành khách ở Brazil và Ả Rập Xê Út cao nhất là 90%, con số này ở Anh là 81%.

Đáng nói, nhờ các chính sách nới lỏng hạn chế đi lại, hành khách của các hãng hàng không khu vực châu Á Thái Bình Dương tự tin gấp 12 lần khi đi máy bay so với năm ngoái.

Ông David Coiley, phó chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Inmarsat Aviation, cho biết: “Khi hàng triệu người đang quay trở lại bầu trời, kết quả khảo sát mới nhất của chúng tôi cung cấp thông tin có giá trị về kỳ vọng và thói quen của hành khách thay đổi như thế nào sau đại dịch”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), du lịch hàng không toàn cầu đã đạt gần 3/4 mức trước đại dịch. Trong đó, lưu lượng hành khách đạt 74% so với mức cao nhất vào tháng 9/2019, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA cho biết, ngay cả phải đứng trước những bất ổn về kinh tế và địa chính chính trị, nhu cầu vận tải hàng không vẫn tiếp tục phục hồi: “Ngoại trừ Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược không có COVID và đóng cửa phần lớn biên giới, tại Trung Đông các hãng hàng không đang chứng kiến lưu lượng khách tăng 150%, khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh có mức tăng lần lượt 129% và 99%”

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, tình trạng thiếu phi công và lưu lượng hành khách tăng trưởng nóng cũng khiến ngành hàng không gặp nhiều khó khăn - Ảnh destination-review

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, tình trạng thiếu phi công và lưu lượng hành khách tăng trưởng nóng cũng khiến ngành hàng không gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới dẫn tới giá vé máy bay tăng cao và nhiều chuyến bay bị hoãn hủy.

Anh Eric Fabricant, 38 tuổi, sống ở bang Connecticut, Mỹ cho biết, vừa phải chi 800 USD tiền vé máy bay cho kỳ nghỉ đến San Francisco. Đây là mức tăng đáng kể so với chỉ 250 USD của 2 năm trước.

Ngoài ra, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng bay cũng khiến anh Fabricant cảm thấy chưa hài lòng: “Tôi luôn lo lắng về tình trạng chậm trễ, điều này thì các hãng hàng không không thực sự đáng tin cây”.

Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), tổ chức đại diện cho gần 2.000 sân bay ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó có lạm phát và giá nhiên liệu tăng... Những thách thức này có nguy cơ làm gián đoạn tốc độ phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch.

Bên cạnh đó, những khó khăn tài chính và việc mất rất nhiều nhân lực trong 2 năm qua cần có thời gian phục hồi và không thể giải quyết trong ‘một sớm, một chiều”. Vì vậy, ACI dự báo, tương lai hàng không chỉ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tháng 11/2022, ngành hàng không đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11 năm ngoái.

Thống kê qua 11 tháng của năm 2022, đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách và số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách thông qua. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách với 4,4 triệu khách quốc tế và 40,5 triệu khách nội địa qua 11 tháng của năm 2022.

Dự báo trong năm 2022, tổng số lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 100 triệu lượt so với 120 triệu lượt hành khách đạt được năm 2019 (thời điểm trước dịch).