Những tâm sự đằng sau vô lăng xe buýt

Trong suy nghĩ của nhiều người, xe buýt Hà Nội được coi là “nỗi sợ” trên đường phố, còn tài xế bị nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm. Nhưng ít ai hiểu được rằng, họ có những nỗi khổ chẳng biết tỏ cùng ai.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nghề lái xe buýt được coi là nghề “làm dâu trăm họ”. 

Anh Lê Anh Thịnh, lái xe Xí nghiệp buýt Liên Ninh tâm sự, nghề lái xe buýt được coi là nghề “làm dâu trăm họ”, mỗi ngày, phải chịu vô vàn áp lực, vừa phải điều khiển xe trong nhiều giờ đồng hồ, vừa chịu áp lực giao thông liên tục.

Cả ngày oằn mình trên chiếc vô lăng, mỗi giây mỗi phút là những nguy hiểm đang chuẩn bị vồ vập tới, chỉ cần một tích tắc lơ đễnh là hậu quả sẽ khôn lường:

"Từ xe khách đến xe buýt, nói chung là xe phục vụ, tắc đường rồi ức chế trên đường là không tránh được. Giả dụ điểm A đến điểm B, thời gian mình căn giờ; thế nhưng lượng khách đông, đường tắc rồi xe nọ xe kia đi cắt qua mặt xe thì khó cho mình đi lại. Gặp phải điều này thì ai cũng ức chế thôi. Mỗi ngành nghề có một áp lực riêng, nghề vận tải công cộng lại càng áp lực", anh Thịnh tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Bình- Lái xe Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, người có 17 năm gắn bó với xe buýt tâm sự, nghề lái xe có nhiều nỗi khổ nhưng với tài xế xe buýt, căng thẳng nhất là áp lực về thời gian. Bất kể giờ cao điểm hay không, nhiều tuyến đường của thủ đô thường xuyên bị ùn ứ nhưng các chuyến xe luôn phải xuất bến, ghé trạm rồi về bến đúng khung giờ đã định. Ngoài ra, tài xế phải làm việc với cường độ cao khi phải chạy liên tục từ 8- 9giờ/ngày, chưa kể có những lúc phải tăng chuyến.

Anh Bình cho biết: "Ai có tuổi rồi hoặc sức khoẻ không đảm bảo thì làm một ca 8 tiếng có vẻ hơi mệt. Khoảng 4h sáng mình dậy, anh em nào nhà xa thì phải dậy lúc 3h, đến xí nghiệp nhận xe, kiểm tra, đánh ra các đầu bến để chuẩn bị phục vụ. Một ngày cứ tầm khoảng 1h, 1h30. Muộn nhất khoảng 2-3h chiều thì  xong ca. Ca chiều thì khoảng 12h, muộn nhất khoảng 12h30 đêm thì mới xong được".

17 năm gắn bó với xe buýt Hà Nội, biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, có những lúc chán nản muốn từ bỏ vì áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống mưu sinh, nhưng tình yêu, sự gắn bó với nghề, sự động viên của gia đình đã giúp anh Nguyễn Văn Bình vượt qua tất cả. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp và từ phía Tổng công ty, Xí nghiệp cũng là động lực để anh hết mình trong công việc: "Sự mệt mỏi, sự ức chế trong khi tham gia giao thông cũng khiến mình bị ảnh hưởng tâm lý, nhưng bên Xí nghiệp cũng như Trung tâm điều hành cũng cố gắng tạo điều kiện để cho anh em có giờ nghỉ".

Trong tương lai, xe buýt vẫn sẽ là một phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực, người lái xe buýt cũng sẽ gặp nhiều căng thẳng và áp lực hơn. Vì vậy, mong rằng, trên mỗi hành trình ngược xuôi thành phố, xe buýt Thủ đô sẽ luôn nhận được những sự đồng cảm và sẻ chia từ người dân.

Bên cạnh đó, những ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, khi di chuyển bằng phương tiện công cộng của từng người dân, từng hành khách sẽ giúp những người lái xe buýt giảm áp lực trong công việc, vận hành xe buýt một cách an toàn hơn trên đường phố.