Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: 'Vật vã' trong giãn cách, để không đứt gãy chuỗi cung ứng

Trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, đặc biệt là thời kỳ giãn cách xã hội diện rộng theo tinh thần Chỉ thị 16 ở hàng chục địa phương cả nước, các yêu cầu phòng, chống dịch “mỗi nơi một kiểu” của địa phương đã khiến cho doanh nghiệp vận tải... vật vã.

Mặc dù vậy, họ vẫn cố sức, gắng gượng để giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, giữ ổn định thị trường.

Từ tháng 6 đến tháng 10/2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tình thế luôn đặt trong trạng thái “báo động đỏ” khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao. 19 địa phương phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 cùng hàng loạt các tỉnh thành thiết lập chốt chặn ở cả đường bộ lẫn đường thủy nội địa, kiểm soát người và phương tiện ra vào.

Nhưng quy định của mỗi nơi mỗi khác: nơi đòi test nhanh, nơi đòi PCR, nơi thì thẻ luồng xanh, hàng thiết yếu cũng quay đầu nếu đi từng vùng có dịch… khiến doanh nghiệp vận tải “khóc ròng”.

Chị Trình Thị Ngọc Kiều, trú tại tỉnh An Giang bôn ba sông nước chở thuê hàng hóa từ Hà Nội về giao cho các địa phương ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Với đặc thù của vận tải đường thủy, từ khi xuất bến đến cập cảng đã mất 3 ngày, thuyền viên có giấy âm tính nhưng không được công nhận vì đã quá hạn 72h nên bắt buộc chị phải lên bờ đi tìm nơi xét nghiệm lại. Qua bao nhiêu địa phương là bấy nhiêu lần quay cuồng trong vòng tròn test nhanh-xét nghiệm. Đã có lúc chị cảm thấy kiệt sức:

"Bao nhiêu người thì phải test hết bấy nhiêu người. Không test thì không cho qua. Mình muốn test mẫu gộp cho đỡ tốn chi phí vì như sà lan chị đi 5 người là tốn hết 1 triệu mấy, mình chịu hết. Mà chạy hết 24 tiếng, đi chỗ khác là phải test nữa rồi, thêm 1 triệu mấy nữa, làm hoài luôn".

Nhận định tài xế là một trong những nguồn lây nhiễm chính, một số địa phương yêu cầu phải sang hàng đổi tài khi giao nhận hàng hóa. Doanh nghiệp vận tải phải tự thuê thêm tài xế, lực lượng bốc xếp và kho bãi để bốc dỡ hàng. Chi phí đội lên gấp đôi hàng hóa đối mặt với nguy cơ hư hỏng cao, hoặc mất trộm.

Anh Nguyễn Văn Phương chở thức ăn đóng hộp từ tỉnh Bình Dương về giao trong khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã từng rơi vào tình huống khổ sở này, nhớ lại:

"Xe của em có giấy test nhanh, giấy luồng xanh, giấy hợp đồng vận chuyển, giấy đi từ công ty về nơi giao hàng có, nhưng mà về đây mấy anh bảo là không cho vô TP Cần Thơ. Bắt buộc bên em phải đổi tài nhưng mà phía công ty không chịu. Công ty không chịu giao xe tại lỡ tài sản hàng hóa có mất thì ai đâu mà chịu trách nhiệm".

Đỉnh điểm, nhiều tài xế đã xin nghỉ việc, doanh nghiệp rơi như đứng ngồi trên đống lửa. Anh Trần Thiện – Quản lý của Công ty cổ phần thương mại vật liệu xây dựng Mỹ Hòa, tỉnh Kiên Giang chia sẻ:

"Test nhiều lần quá thì thứ nhất là họ thấy ảnh hưởng, thứ 2 họ cũng sợ nên thời gian đầu nếu mình được 60% phương tiện di chuyển thì sau đó khoảng 1 tháng thôi, một số anh em đã xin ngừng chạy để đảm bảo sức khỏe".

Để không đứt gãy chuỗi cung ứng, Công ty Mỹ Hòa chấp nhận tạm ứng cho mỗi tài xế 2 tháng lương, tuyển thêm tài xế mới để luân phiên thay chuyến, chi trả 70% trên tổng chi phí xét nghiệm. Chỉ cần tài xế chịu ở lại làm việc, công ty chấp nhận doanh thu giảm nhằm duy trì hoạt động.

Ngoài nỗi khổ về đủ thứ chi phí đội lên, các doanh nghiệp vận tải đều căng mắt căng tai cập nhật liên tục các quy định mới của địa phương để đáp ứng khi di chuyển. Anh Dương Phú Khải- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khai Thiên Tân chuyên phân phối xi-măng khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cho biết:

"Đồng Bằng Sông Cửu Long có 13 tỉnh, trong đó có hàng trăm huyện, mình phải xử lý thông tin, cập nhật đến địa bàn nào phải theo phép của địa bàn đó thì mới làm việc được. Hầu như phải đọc quy định của các địa phương cả ngày lẫn đêm để biết đường mà xử lý".

Giãn cách, phong tỏa diện rộng làm cho hoạt động vận tải đã có thời điểm đình trệ nghiêm trọng, khiến thị trường mất cân bằng, hàng khóa khan hiếm, giá cả leo thang.

Ròng rã hơn 5 tháng, những chuyến xe, chuyến tàu hàng vượt qua vô vàn rào cản, cung ứng nhu yếu phẩm cho đời sống, vật tư cho sản xuất và phòng chống dịch.

Đằng sau đó là sự gồng mình, ràng sức của các doanh nghiệp vận tải để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, và để tự cứu mình.