Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Vắng bóng người trên sân ga...

Gắn bó với ga Hà Nội hơn nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Biêm nhớ lại cảm giác hiu quạnh chưa từng có của sân ga thời điểm cuối tháng 8: "Thấy buồn, không còn không khí gì của đường sắt cả! Không có một bóng người cả ngày. Trước kia không có dịch thì nó rộn ràn

"Đoàn tàu SE5 trên đường sắt số 1 chuẩn bị được lệnh chuyển bánh. Nhà ga xin mời quý khách vào trong ga ổn định vị trí để đoàn tàu rời ga được an toàn".

Sảnh Bắc ga Hà Nội một buổi chiều ngày làm việc cuối tuần. Không khí náo nhiệt xuất hiện khoảng 1 tiếng trước giờ tàu chạy, với trên dưới trăm hành khách làm thủ tục và khai báo y tế. Sau khi tàu rời ga, không khí tĩnh lặng bao trùm, sảnh hành khách không một bóng người ngoại trừ nhân viên bán vé.

Nguyễn Đức Mạnh, quê Nghệ An, sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội cảm nhận rõ sự thưa vắng của khách đi tàu dịp cận Tết năm nay so với những năm trước dịch: "Em thấy mọi người cứ đến ga sớm một chút mua vé cũng được. Nếu dịp cận Tết mà không có dịch thì đông lắm, phải đặt vé trước hàng tháng trời luôn!"

Năm 2021, vận tải hành khách của ngành đường sắt đã trải qua giai đoạn dài ảm đạm. Từ đầu tháng 7, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã dừng chạy nhiều đôi tàu, và đến ngày 25/8, không còn đoàn tàu khách nào hoạt động thường xuyên.

Trong tháng 8, lượng hành khách chỉ hơn 8.600 lượt, bằng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu trong tháng 8 chỉ đạt hơn 114 tỷ đồng, bằng 66,4% cùng kỳ - mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Gắn bó với ga Hà Nội hơn nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Biêm, sinh sống ở phố Lê Duẩn, nhớ lại cảm giác hiu quạnh chưa từng có của sân ga thời điểm cuối tháng 8: "Thấy buồn, không còn không khí gì của đường sắt cả! Không có một bóng người cả ngày. Trước kia không có dịch thì nó rộn ràng, tấp nập người đi mua vé, người lên tàu.

Còn bây giờ có một đôi chạy buổi sáng, một đôi chạy buổi chiều. 5h-5h30 có tiếng loa cho tàu chạy 6h. Sau đó im lặng đến trưa. Tàu 3h thì lại có vài lần người ta nhắc nhở cho khách vào tàu".

Những sân ga vắng bóng hành khách. Ảnh: Lao động thủ đô

Trong hơn 2 tháng tàu khách dừng chạy, hoạt động chủ yếu của ngành đường sắt là chở hàng, cùng một số chuyến tàu đặc biệt đưa người dân hồi hương.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết: "Tàu hàng thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng nhất, Công ty Hà Nội đã thực hiện 7 chuyến tàu vận chuyển chuyên gia Trung Quốc.

Ngành đường sắt đã tổ chức những đôi tàu chuyên biệt vận chuyển người dân, người lao động từ các tỉnh thành phía Nam về các địa phương rất an toàn".

Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị cho tàu chạy lại từ ngày 7/10, nhưng chỉ có 1 trong 22 tỉnh thành có phản hồi. Chỉ đến khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GT-VT với tinh thần từ Nghị quyết 128 thì các địa phương mới đồng ý mở lại đường sắt từ ngày 13/10.

Những ngày cuối năm, theo Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, tổng số vé tàu cho cả dịp Tết 2022 chỉ khoảng 36.000 chỗ, bằng 1/3 dịp Tết 2021. Tính đến hết ngày 8/12, lượng vé tàu bán ra chỉ bằng 10% so với cùng kỳ.

Theo PSG. TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, lượng khách đi tàu Tết giảm mạnh do rất nhiều người đã rời phố về quê từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ngoài khó khăn chung thì vận tải đường sắt còn chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ vận tải đường bộ ở cự ly ngắn, trung bình và vận tải hàng không ở cự ly dài./.