Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Sài Gòn sau giờ giới nghiêm, nụ cười đang nhen dần

Gần 3 tháng qua, nhiều hoạt động tại Tp.HCM đã bắt đầu trở lại trong tâm thế thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, nhưng có lẽ, những ngày Thành phố sau “giờ giới nghiêm” sẽ còn hằn sâu trong nỗi nhớ của người dân Sài Thành.

Đợt dịch COVID-19 thứ tư ở TP.HCM bùng phát từ cuối tháng 5/2021. Đến nay, thành phố đã trải qua 7 tháng chống dịch bệnh, trong đó gần 5 tháng thực hiện giãn cách xã hội với vô vàn mất mát….

Gần 3 tháng qua, nhiều hoạt động của thành phố đã bắt đầu trở lại trong tâm thế thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, nhưng có lẽ, những ngày Thành phố sau “giờ giới nghiêm” sẽ còn hằn sâu trong nỗi nhớ của người dân Sài Thành.

Lê Thánh Tôn - Quận 1 trong thời gian giới nghiêm

Nhớ lại những tháng ngày căng thẳng nhất trong đợt dịch vừa qua, ông Nguyễn Thuấn (64 tuổi, ngụ ở đường Trần Quốc Thảo, quận 3) vẫn không khỏi rùng mình. Gần cả đời người, chưa bao giờ ông Thuấn và người Sài Gòn thấy thành phố co mình đến thế.

“Những buổi dịch bùng phát, xe chở người ta đi, xe chở qua đây rồi không biết có ai quay về hay không? Buổi tối xe qua đây từ ò í, xe cấp cứu cứ liên tục, cảm giác sợ. Và cũng đau lòng và thương cảm cho những người không may xấu số”, ông Thuấn chia sẻ.

"Dịch Covid vừa rồi là sự mất mát rất lớn. Vào thời điểm từ tháng 7, tháng 8, mà lúc giới nghiêm, từ 6 giờ chiều cho tới 6 giờ sáng, con đường nó vắng ghê lắm, không một bóng người", một người dân khác chia sẻ. 

Ngày 18/5/2021, đợt dịch thứ tư bắt đầu khởi phát ở TP.HCM. Số ca nhiễm tăng lên theo cấp số nhân, từ 1.000 lên 2.000, rồi lên tới hơn 5.000 ca/ngày, mặc dù đã giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau. 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bắt đầu từ tối 26/7/2021, thành phố chính thức áp dụng lệnh “giới nghiêm”, người dân không ra đường sau 18h. Tất cả các hoạt động tạm dừng đến 6h sáng hôm sau, trừ cấp cứu và các nhiệm vụ thiết yếu phòng chống dịch. Yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” kéo dài đến hết tháng 9/2021.

Không khí sôi động náo nhiệt thường thấy trước kia, nhường chỗ cho sự vắng lặng đến tê người. Chỉ có những tiếng còi cấp cứu xé toang màn đêm.

Bão COVID-19 quét qua, để lại bao gia đình xơ xác. Hàng loạt hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội bị đình trệ. Lao động thất nghiệp. Hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh.

"Coi như là anh hết tiền ăn, 3 tháng nhà trọ là không có tiền luôn, để gạo lại, để đồ lại cho nhà trọ".

"Khó khăn quá trời luôn, dịch bệnh này kia rồi công ty làm không có lợi nhuận".

Không có thu nhập, một số người lao động đã bị chủ trọ đuổi ra khỏi nhà

Theo GS. TS Vũ Gia Hiền, tính cả đợt dịch bệnh vừa qua, TP.HCM đã trải qua 2 thời kỳ “giới nghiêm” nhưng hoàn toàn khác nhau về bản chất: “Năm 1975 là giới nghiêm về bản chất giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc. Còn Covid vừa rồi giới nghiêm vì sự tử tế của những con người. Khó khăn của Covid khác với 1975 là chúng ta có những ngày để ta chuẩn bị để thoát khỏi cuộc khó khăn đấy bằng năng lực, bằng sự nỗ lực của chính chúng ta và mọi người.”,

Cũng chính trong khoảng thời gian dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất, là lúc người dân Thành phố được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp nhất về sự đoàn kết, sẻ chia của cả nước hướng về. Ở vùng phong tỏa hay trong các khu cách ly, bà con nhường nhau từng bó rau, quả trứng, gói mì..

Những siêu thị nghĩa tình, gian hàng không đồng, cây ATM gạo, ATM oxy ễn phí xuất hiện ngày càng nhiều, cùng san sẻ, làm vợi đi sự khốc liệt của dịch bệnh, xoa dịu những nỗi đau.

Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan từng nói, dịch bệnh Covid -19 đợt thứ 4 đã khiến thành phố gặp phải những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Thành phố vượt qua được, chiến thắng được, là nhờ những giá trị tinh thần: "Quan trọng hơn bao giờ hết là sự đồng thuận của doanh nghiệp và của người dân. Nếu như không có sự góp sức của người dân, của doanh nghiệp thì chúng ta khó có thể đạt được những kết quả rất là tích cực như thời gian vừa qua chúng ta làm”.

'Máy ATM' phát gạo ễn phí cho người nghèo 

Có người thân mất trong thời kỳ dịch căng thẳng, chị Nguyên Trân (ngụ quận 10) bật khóc khi không được gặp mặt lần cuối. Đối với chị Trân, đó là ký ức không bao giờ muốn quay lại. Nhưng cũng chính từ 5 tháng giãn cách, chị biết mình mạnh mẽ hơn.

“Sau đợt Covid thì mình thấy trân quý hơn với tất cả mọi thứ mà mình có. Và mình đã dành thời gian cho người mà mình thân yêu nhiều hơn, bởi vì, một khi mà họ đã ra đi rồi thì mình sẽ rất là khó để có thể bù đắp được, và mình không thể nào làm được những việc mà mình muốn làm với họ thêm một lần nào nữa”, chị Trân chia sẻ. 

Gần 3 tháng nay, nhiều hoạt động của thành phố đã bắt đầu trở lại “bình thường mới”. Thành phố dần khỏe lại. Nụ cười đang dần nhen lên sau những lớp khẩu trang.

Nhưng người dân Sài Gòn và cả nước sẽ không quên tháng ngày đã qua. Nhớ đến cái vắng lặng rùng mình của những đêm giới nghiêm, để biết quý hơn, nâng niu gìn giữ hơn một Sài Gòn  nhộn nhịp, huyên náo và đầy sức sống./.