Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: 'Một đường hai điểm', từ doanh nghiệp đến người dân

Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng ở khu vực phía Nam, nhằm góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, góp phần cùng chính quyền chống dịch, doanh nghiệp và người dân trong vùng đã thay đổi thói quen sinh hoạt, đi lại của mình.

Phương châm “1 cung đường -2 điểm đến” từ chỗ áp dụng cho công nhân các khu công nghiệp, dần dần trở thành thói quen của đông đảo người dân, ngay cả khi dịch bệnh đã tạm thời lắng dịu.

Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, tỉnh Hậu Giang tạo nhiều điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh. Rút kinh nghiệm từ những ổ dịch đã bùng phát, các doanh nghiệp được yêu cầu đảm bảo “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Trong đó, “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” tiếp tục là giải pháp quan trọng phải được thực hiện nghiêm.

Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: "Thống nhất đồng bộ các biện pháp áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để doanh nghiệp có thể đề ra kế hoạch phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như có chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho công nhân ở trong khu công nghiệp hoặc gần nhà máy, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, kết hợp một cung đường hai điểm đến nhằm đảm bảo sản xuất an toàn".

Tỉnh Hậu Giang có hơn 40 doanh nghiệp duy trì thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” với hơn 13.700 công nhân, chiếm hơn 50% số lao động trở lại làm việc.

Tương tự tại Sóc Trăng, hầu hết các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều duy trì hoạt động thông qua phương án “3 tại chỗ” có sự kết hợp thêm “1 cung đường, 2 điểm đến”. Ghi nhận ở Khu Công nghiệp An Nghiệp, nơi có 38 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 20.000 lao động, thời gian qua, các phương án trên được thực hiện kịp thời, linh hoạt và điều chỉnh liên tục phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, đứt gãy.

Ảnh nh họa

Ông Lý Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Các doanh nghiệp đều kích hoạt phương án sản xuất vừa chống dịch cũng như bố trí xe đưa đón công nhân, người lao động đến khu công nghiệp làm việc, theo phương châm “một đoạn đường hai điểm đến”.

Nhiều doanh nghiệp tùy theo điều kiện của mình, lựa chọn thực hiện linh hoạt “3 tại chỗ” hoặc “1 đường 2 điểm”, hoặc kết cả hai để an toàn cho công nhân và sản xuất kinh doanh.

Từng thực hiện “3 tại chỗ” tại 3 phân xưởng với 450 công nhân lao động, ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gò Đàng Bến Tre tại Khu công nghiệp An Hiệp cho biết: “3 tại chỗ” mình làm lại rồi, tạm bỏ “1 cung đường 2 điểm đến”, làm tại chỗ luôn, tại xưởng luôn chứ không có đưa rước nữa. Vì đưa rước có khi sẽ rủi ro, bố trí ăn ở giãn cách đúng quy định.

Dù đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi bằng việc tuân theo hướng dẫn từ địa phương, xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng…

Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc công ty TNHH MTV Bê tông Minh Tâm tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang – doanh nghiệp đã thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” chia sẻ: “Mình làm cũng được, nói chung là để trả các đơn hàng cũ. Mình kiến nghị cho phép nâng số công nhân lên để đủ nhân lực làm. Vận chuyển hàng hóa thì ổn, có cái anh em công nhân đi làm hơi khó, có nghĩa là đi xe có huyện cho, có huyện không cho, không có đồng nhất”.

Ảnh nh họa

Bên cạnh sự tạo điều kiện từ địa phương, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, bản thân công nhân cũng luôn ý thức rõ tầm quan trọng của các phương thức này.

Anh Nguyễn Trường Hậu, công nhân khu công nghiệp An Nghiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, thực hiện cam kết với công ty, 3 tháng qua đã quen với quãng đường từ “nhà riêng” đến “nhà máy”, tuyệt nhiên không có điểm dừng khác, gác lại những nhu cầu ít thiết yếu, tạm thời không gặp bạn bè, la cà quán xá sau giờ làm: Nói nào ngay hồi đầu cũng bứt rứt, khó chịu…. Mà giờ dịch bệnh nguy hiểm quá, thôi kệ, cứ “1 cung đường 2 điểm đến” cho chắc ăn để còn được đi làm chứ đơn hàng cuối năm ở công ty nhiều dữ lắm! Từ từ mình quen rồi dịch được khống chế tới đó thoải mái cũng được.

Đại dịch được dự báo còn diễn biến khó lường. “1 đường 2 điểm” dù có khiến hàng quán tạm thời vắng vẻ hơn, bạn bè anh em ít gặp gỡ giao lưu hơn, nhưng ai cũng nhận ra sự thay đổi cần có, để an toàn khi sống chung, sản xuất chung với dịch.