Nhiều nơi cấm quảng cáo bia rượu tại nhà chờ xe bus, bến xe, sân bay, ga tàu

Để giảm thiểu lượng tiêu thụ và giảm tỉ lệ TNGT do ma men, nhiều nước đưa ra quy định cấm quảng cáo rượu bia trên các phương tiện giao thông công cộng và cả ở nhà chờ xe bus, ga tàu điện...

Nhiều nước cấm quảng cáo bia rượu tại nhà chờ xe bus, bến xe, sân bay, ga tàu...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Uống rượu bia trước khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) chết người nhiều nhất trên thế giới. Để giảm thiểu lượng tiêu thụ và kéo giảm tỉ lệ TNGT do “ma men”, rất nhiều nước có quy định cấm quảng cáo rượu bia trên các phương tiện giao thông công cộng và cả ở nhà chờ xe bus, ga tàu điện...

Chủ yếu các nước có lệnh cấm này lại là những quốc gia phát triển như Mỹ, Australia, Hàn Quốc,... 

Trên thế giới, các tập đoàn bia rượu vốn là những đơn vị mua quảng cáo tại nơi công cộng (biển quảng cáo ngoài trời, trên các phương tiện đại chúng, bến xe bus, ga tàu điện...) nhiều nhất, mang đến những hợp đồng trị giá hàng tỉ đô-la Mỹ cho ngân sách địa phương.  

Nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra mối quan hệ giữa quảng cáo đồ uống có cồn với xu hướng người trẻ uống bia rượu trước tuổi quy định tăng cao. Theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Alcohol Justice, người trẻ thường dễ bị tác động trước những thông điệp thu hút trên các quảng cáo rượu.

Trong khi phương tiện và hạ tầng giao thông công cộng lại là nơi những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên thường xuyên sử dụng. Nếu tiếp xúc càng nhiều với các quảng cáo đồ uống có cồn, càng có nhiều người trẻ tuổi uống và gặp các vấn đề liên quan tới “ma men”. Cô Tracy Chris, đến từ tổ chức phi lợi nhuận về hạn chế rượu tại bang Massachusetts, Mỹ chia sẻ:

 

“Tôi nhận thấy, đây thực sự là vấn đề về công bằng xã hội khi người trẻ phải thường xuyên tiếp xúc với những quảng cáo bia rượu nhan nhản khi bọn trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài đi xe bus tới trường”. 

Nếu hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn thì lượng người trẻ tiêu thụ bia rượu cũng giảm. Alcohol Justice chỉ ra, cứ giảm 28% quảng cáo bia rượu thì sẽ hạn chế được 1% lượng người tiêu thụ dưới tuổi quy định. 

Vì lo ngại vấn đề đó, từ năm 2012, Seoul, thủ đô Hàn Quốc – đất nước nổi tiếng với rượu soju – ra quy định cấm quảng cáo rượu bia trên các phương tiện công cộng. 

Một quan chức thành phố Seoul thời điểm đó nhận định: “Chúng tôi tin rằng, các quảng cáo bia rượu, đồ uống có cồn tại nơi công cộng là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng uống quá chén và kích động người trẻ sử dụng bia rượu khi chưa đủ tuổi quy định. Chính quyền thành phố cho rằng bia rượu là vấn đề xã hội, chứ không phải của riêng ai. Do đó, biện pháp này sẽ giúp hạn chế tối đa môi trường xã hội khuyến khích uống đồ có cồn”. 

Cùng thời điểm, một đất nước khác nổi tiếng với rượu vodka và rất đau đầu về vấn nạn bia rượu đó là Nga ra lệnh cấm quảng cáo đồ uống có cồn một cách mạnh tay trên một loạt phương tiện truyền thông như trên TV, radio, Internet và cả trên phương tiện giao thông công cộng, biển quảng cáo ngoài trời. 

Nga vốn là một nước có lượng người tiêu thụ đồ uống có cồn gấp đôi mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng sau lệnh cấm cùng việc kinh tế nước này đi xuống, thị trường bia rượu nước này năm 2013 đã giảm mạnh. 

Thành phố New York (Mỹ) cấm quảng cáo bia rượu tại sân ga tàu điện, trên phương tiện công cộng từ năm 2017 nhưng tháng Tư vừa rồi, chính quyền quyết định mở rộng ra tất cả các tài sản của thành phố, tức là bao trùm cả bến xe bus, ga tàu điện ngầm... Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, bất chấp mất đi khoảng 2,7 triệu USD mỗi năm lợi nhuận từ tiền quảng cáo.

Bởi, Thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định: Thiệt hại vì lạm dụng bia rượu còn cao hơn cả số tiền lợi nhuận từ quảng cáo. Phu nhân Thị trưởng New York, bà Chirlane McClay nói trong video kêu gọi người dân ủng hộ quyết định của thành phố:

 

“Rất nhiều người dân New York khổ sở vì sa đà vào bia rượu quá mức nhưng chúng ta lại không quan tâm đến vấn đề này một cách hợp lý. Những quảng cáo bia rượu vô trách nhiệm có thể làm tình trạng này trầm trọng hơn” .

Trước New York, nhiều thành phố lớn khác của Mỹ như Los Angeles, Philadelphia và San Francisco cấm quảng cáo rượu bia tại các địa điểm công cộng từ bến xe bus và tàu điện ngầm đến thùng rác nhỏ bên đường. Một số thành phố khác như Baltimore, Charlotte, Chicago, Washington D.C và Boston ra lệnh cấm này từ năm 2012.

Còn tại Việt Nam, trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia đang được đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm đáng lưu ý: Về quy định những địa điểm không uống rượu, bia thì không cấm uống rượu bia ở nhà ga, bến xe, sân bay (trong khi đó Bộ GTVT lại đang dự thảo cấm người say rượu lên máy bay). 

Về quy định quảng cáo rượu bia, không cho quảng cáo trên các phương tiện giao thông; nhưng không cấm quảng cáo tại nhà chờ, bến xe, ga tàu, sân bay. Về quy định các địa điểm không được bán rượu bia, lại không cấm bán ở bến xe, ga tàu, sân bay.
Trao đổi với Kênh VOVGT, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu ý kiến:

 

“Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nếu chúng ta xây dựng trong Luật mà không cứng rắn, không thể đưa vào áp dụng thì tôi e rằng Luật sẽ mãi nằm ở giấy, không đi vào cuộc sống thì rất đáng tiếc. Vì thế ngay từ khi bắt đầu triển khai cần những giải pháp thực hiện cứng rắn thì tôi tin nó sẽ đem lại hiệu quả và có tính khả thi, dù ở thời điểm này chúng ta vẫn đang nghi ngại về nó”.