Nhiều nhà đầu tư tay ngang “cháy” tài khoản, rút khỏi thị trường chứng khoán

Sau biến cố của thị trường Chứng khoán Việt Nam vừa qua, nhiều nhà đầu tư không chuyên mới “thấm đòn” và rút ra những bài học kinh nghiệm “cay đắng” khi lao vào thị trường theo tâm lý đám đông dù không hiểu gì về thị trường này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tập tành “chơi” chứng khoán theo bạn bè gần 1 năm nay, có những thời điểm anh Đỗ Ngọc Thanh, ở Hà Nội “trúng” đậm, nhân đôi thậm chí nhân ba tài khoản. Thế nhưng, từ lúc thị trường có “biến”, đến nay tài khoản của anh đã “bay hơi” gần hết, thậm chí là “âm”.

Anh Thanh ngậm ngùi chia sẻ, anh cũng đã từng đặt ra kỷ luật cho chính bản thân để chốt lời hay cắt lỗ, nhưng khi tham gia vào “vòng xoáy” này chính anh đã phá vỡ kỷ luật đó, dẫn đến kết cục “thê thảm” ngày hôm nay: "Kỷ luật là giả sử lỗ từ 7-8% là phải cắt rồi, lãi thì đặt ra mức lợi nhuận 10% trở lên là phải bán đi, ai cũng hiểu điều đấy nhưng không ai làm được, do lòng tham.

Cái lúc lãi thì mình vẫn tham, muốn lãi thêm, nhân lên 2-3 lần, còn lúc lỗ nhiều khi tặc lưỡi bảo nó xuống một vài nhịp rồi sẽ hồi lại và không cắt, nghĩ rằng số tiền đó chưa đủ lớn. Chả cái gì dễ hàng cả".

Anh Nguyễn Hữu Khang, Công ty chứng khoán VPS cho rằng, biến cố vừa qua là bài học “đắt giá” cho những nhà đầu tư không chuyên, “chơi” theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết, đặc biệt những nhà đầu tư vay kí quỹ margin lại càng “ngấm đòn”: "Đa số nhà đầu tư F0 họ chạy theo thị trường, khi thị trường xấu họ sẽ bị hoảng loạn và bán tháo, kéo theo giá cổ phiếu đấy sẽ càng xuống sâu hơn nữa.

Đặc biệt với những trường hợp vay để đầu tư chứng khoán thì càng phải hiểu sâu hơn nữa. Tại vì vay margin, khi mà tài khoản bị âm quá sâu, công ty chứng khoán sẽ thực hiện Full Margin, dẫn đến tài khoản đó bắt buộc phải bán, thu hồi vốn về để trả lại gốc cho công ty chứng khoán, dẫn đến nhiều tài khoản bị cháy hoặc mất gần hết"  

Ảnh nh họa - NLĐ 

Trao đổi với VOV Giao thông, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sau những thăng trầm vừa qua, nhà đầu tư F0 đã thận trọng hơn, đây cũng là thời điểm để họ rà soát, nhìn nhận, cơ cấu lại danh mục đầu tư và củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ đó, thị trường sẽ trở nên chất lượng và lành mạnh hơn.

Theo TS. Cấn Văn Lực nên xem xét lại mô hình 4D: "D thứ nhất là thị trường có những điều chỉnh để trở về trạng thái bình thường hơn và sát thực hơn. D thứ hai là dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều cần phải hết sức hạn chế, bởi lúc thị trường đi xuống sẽ mất cả giá trị cổ phiếu cũng như lại phải trả nợ lãi vay trước đó. Thứ ba là tâm lý đám đông cũng cần giảm thiểu bớt. D thứ tư là hạn chế tình trạng đầu cơ, bởi đầu tư thị trường chứng khoán là đầu tư trung và dài hạn, không phải đầu cơ để lướt sóng, thiếu bền vững và rất rủi ro".

Hiện nay dư nợ cho vay lĩnh vực chứng khoán của một số ngân hàng thương mại đã chạm trần, dư nợ cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán thậm chí đã vượt trần. Vì vậy, việc kiểm soát tín dụng với lĩnh vực chứng khoán là vô cùng cần thiết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc kỷ luật hàng loạt quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán và bắt tạm giam nhiều ông lớn cho thấy các động thái mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý, gây thất thiệt cho nhà đầu tư và thị trường.

Để thị trường phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp hơn, theo ông Long, ngoài sự chuyên nghiệp hóa của mỗi nhà đầu tư, rất cần làm trong sạch bộ máy quản lý: "Qua việc Ủy ban kiểm tra Trung ương kỉ luật các cán bộ UB Chứng khoán nhà nước cho thấy quản lý thị trường chứng khoán còn buôn lỏng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả, không nh bạch giữa tự doanh và môi giới hay thao túng chứng khoán thấy rất rõ và có nội gián bên trong, gây thất thiệt lớn cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Trên cơ sở đó, muốn thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định thì điều đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt trách nhiệm của mình, bộ máy trong sạch, khách quan công tâm và đúng luật".