Nhiều khả năng đến cuối năm nay mới có thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Bộ Y tế vừa đưa ra hai kịch bản: Một là chuyển sang trạng thái bình thường mới, đưa COVID-19 thành bệnh lưu hành; Hai là dự phòng khi xuất hiện tình huống mới nghiêm trọng, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

Trong điều kiện hiện nay, nên lựa chọn kịch bản nào? Phóng viên Nguyễn Yên đối thoại với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Covid ở Hà Nội - Ảnh: NLĐ

PV: Thưa ông, trong 2 kịch bản mà Bộ Y tế đưa ra, ông chọn kịch bản nào cho giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường nhưng theo tôi nó sẽ trở thành bệnh lưu hành nhưng không phải ngay bây giờ mà sẽ vào những tháng cuối năm nay.

Dựa trên cơ sở là tất cả virus trong đại dịch sẽ trở thành lưu hành, nó nhẹ đi; chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống dịch, có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đang nghiên cứu. Từ những cái đó sẽ khiến COVID-19 không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, kinh tế và an sinh xã hội.

PV: Vậy, nếu COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, chúng ta cần chuẩn bị gì cho kịch bản này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta cần có những bước chuyển đổi trong lúc này, như đã chuyển đổi từ chiến lược zero COVID sang thích ứng linh hoạt an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; chúng ta chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro.

Tôi nghĩ rằng phải làm sao để kiểm soát được dịch bệnh, không bị động, luôn theo dõi và đánh giá các nguy cơ cho thật đúng và có thể thay đổi trong thời gian rất ngắn, chứ không thể áp dụng máy móc; phải có sự giám sát, theo dõi các thông tin quốc tế.

Tôi hy vọng chúng ta có thể chuyển đổi dần nhưng vẫn quan tâm tới những người dễ bị tổn thương. Chúng ta phải linh hoạt đánh giá nguy cơ và đáp ứng dịch bệnh sao cho phù hợp là như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!