Nhà tù Hỏa Lò - Những ký ức không thể nào quên

Giữa một thủ đô hiện đại, náo nhiệt, luôn đan xen những không gian cổ xưa, những công trình di tích lịch sử mang nhiều nét thăng trầm, hoài niệm, khơi gợi sự xúc động mạnh mẽ trong mỗi người.

Di tích nhà tù Hỏa Lò là một nơi như thế - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi ghi dấu lại những dấu ấn lịch sử một cách chân thực trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện những ngày gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, làm nên thắng lợi để có được “Ngày về chiến thắng” tại trưng bày chuyên đề “Sông Hồng cuộn sóng”. 

Trong tiếng ca hào hùng của ca khúc Tiến về Hà Nội, những tấm hình về Ngày tiếp quản Thủ đô của Quân đội Việt Nam cùng hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Trung học Trưng Vương tham gia diễu hành, rước cờ đã tái hiện lại những ngày thu tháng 10 lịch sử của Hà Nội 69 năm về trước.

Có mặt tại Di tích Nhà tù Hoả lò trong buổi khai mạc trưng bày triển lãm chuyên đề “Sông hồng cuộn sóng”, bà Đỗ Hồng Phấn, người tham gia tiếp quản thủ đô tháng 10/1954 hồi tưởng: "Tôi đi trong đoàn quân tiếp quản về Hà Nội chứ không phải người Hà Nội đón người trở về. Lúc bấy giờ trở về với tư cách là cán bộ của Đoàn thanh niên. Đi qua nhà, trông thấy mẹ đứng ở kia mà không được gọi vì đang ở trong Đoàn mà. Nhưng rõ ràng là rất tự hào"  

Mặt trước của di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò - Ảnh VOV

Xúc động và tự hào cũng là những cung bậc cảm xúc của cô Thanh Hà, con gái nhà báo Lê Văn Ba, người đã tham gia làm báo kháng chiến bí mật ở nội thành Hà Nội, khi xem những hình ảnh tại nơi được mệnh danh “ địa ngục trần gian”: "Mỗi một lần Di tích tổ chức các sự kiện thì nơi đây là nơi ghi dấu những quãng đời thanh xuân của bố tôi – nhà báo Lê Văn Ba – người đã bị địch bắt tù đầy bắt giam tại đây. Và từ khi làm kháng chiến bí mật đến lúc giải phóng thì ông cũng có đóng góp 1 phần. Bây giờ khi đến đây, xem những hình ảnh tái hiện lại thì mình là con rất là xúc động và tự hào. Tiếc là ông đã đi xa và giờ cũng cảm thấy trân trọng những gì mà ông đã đóng góp".

Không chỉ được sống lại những ngày tháng hào hùng, người xem còn cảm nhận rõ hơn sự hy sinh, cống hiến và mất mát của các thế hệ đi trước.… Đặc biệt, hoạt cảnh tái hiện hoạt động chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán của tù chính trị Nhà tù Hoả Lò đã mang đến nhiều cảm xúc và ấn tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ:

"Các hoạt cảnh đem lại sự xúc động mãnh liệt khi những người chiến sỹ bị giam trong nhà lao nhưng họ vẫn có tinh thần yêu nước và sử dụng những đồ vật giản dị như chăn, giấy để làm nên lá cờ"

"Em thực sự đã rơi nước mắt vì các chiến sỹ dù có bị đánh đập nhưng tra tấn dã man đến đâu nhưng vẫn mang tinh thần chiến đấu với thực dân Pháp"

"Cảm xúc của tôi vô cùng xúc động khi được nghe thuyết nh của hướng dẫn viên và biết thêm nhiều kiến thức, từ đó tôi càng thấy tự hào về chiến công mà cha ông ta đã giành được".

Những ngày gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, làm nên thắng lợi để có được “Ngày về chiến thắng” đã được tái hiện tại Di tích Nhà tù Hoả lò thông qua Triển lãm chuyên đề “Sông hồng cuộn sóng”.

Những hình ảnh, hiện vật lịch sử, những câu chuyện qua lời kể thuyết nh càng làm sống động hơn về một Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về.

“Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động. Mắt nhoà lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Lời hứa năm xưa đã thành sự thật:

       Ra đi hẹn một ngày về

   Ba Đình còn đó, người thề còn đây”

Người quen ở phố

Đã 69 năm trôi qua, nhưng ký ức đẹp của những người được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn còn mãi. Chúng ta sẽ cùng lắng nghe ông Nguyễn Đình Tân, cựu học sinh THCS Nguyễn Trãi, người đã tham gia tích cực phong trào học sinh – sinh viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được vinh dự đón đoàn quân tiếp quản thủ đô cách đây 69 năm.

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

PV: Thưa ông, sau 69 năm ngày giải phóng Thủ đô, khi xem lại những hình  ảnh và hoạt cảnh gợi nhớ lại những năm tháng hào hùng được trưng bày tại Nhà tù Hoả lò, cảm xúc của ông thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tân: Tôi rất phấn khởi bởi gợi lại những ký ức cũ. Qua cuộc họp hôm nay, có rất nhiều cái hay, làm cho những người tham gia nhớ lại những chuyện cũ, nhớ lại thời kỳ đấu tranh của học sinh sinh viên Hà Nội của thời kỳ đó.

PV: Đã tham gia vào phong trào học sinh sinh viên vào thời điểm 1953 – 1954, và vinh dự được đón đoàn tiếp quản thủ đô, thì hẳn đó là những ký ức không thể nào quên trong ông?

Ông Nguyễn Đình Tân: Lúc bấy giờ, phong trào của học sinh là có sự chuẩn bị hết, để đi đón đoàn quân. Cũng tập hợp anh em lại vì lúc bấy giờ không phải đi tự do nữa. Để chuẩn bị làm lễ thượng cờ.

Trong đó, đoàn thể học sinh, sinh viên đều mặc quần áo trắng hết, lên đấy xếp hàng nghiêm chỉnh, cờ quạt đầy đủ và chia làm các tốp như tốp cờ ảnh.. Không khí lúc đó khó tả lắm, rất phấn khởi và hừng hực khí thế của thanh niên lúc bấy giờ.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về không khí của ngày 10/10/1954 đã diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tân: Ngày tiếp quản thủ đô chính thức là ngày 10.10, đúng 9h sáng, tôi không hiểu vì lý do gì nhưng khi đoàn quân tiến vào thì nhân dân thủ đô ở các phố như hàng Bài, phố Huế đã có mặt 2 bên, cầm cờ hoa, kéo đàn về những bài hát kháng chiến. Nhân dân rất rầm rộ, phấn khởi.

Khi đoàn quân của ông Vương Thừa Vũ đi qua thì mọi người chạy ồ ra và tặng hoa. Đoàn quân đi đến đâu là nhân dân kéo theo cờ hoa đến đấy. Học sinh sinh viên không ai bảo ai tự nhiên mặc quần trắng áo trắng. Nữ sinh thì mặc áo dài. Không ai bảo ai đều cùng một tư tưởng.

PV: Vâng, xin cám ơn ông.