Nhà sản xuất ô tô châu Âu vật vã "chống lại" Trung Quốc

Các tập đoàn ô tô lớn của châu Âu không còn nhiều thời gian để tái cấu trúc hoạt động và dòng sản phẩm nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Ngay cả những chính sách thuế cứng rắn cũng không thể bảo vệ họ khỏi tình trạng hiện tại.

Ảnh: Reuters

Cơ quan quản lý thương mại châu Âu ở Brussels (Bỉ) cho biết có thể họ sẽ áp dụng các mức thuế mới đối với xe điện Trung Quốc dựa trên kết quả cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết: Sẽ có một "cách tiếp cận phù hợp" đối với cuộc điều tra và bất kỳ mức thuế nào được áp dụng sẽ "tỷ lệ thuận với mức độ thiệt hại". Châu Âu sẽ thông báo cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc về thuế quan tạm thời vào ngày 5/6 tới.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết động thái này là không đủ để chống lại sự cạnh tranh từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc và nhà cung cấp truyền thống của họ.

Theo một nghiên cứu của Rhodium Group, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có lợi thế về chi phí hơn 30% so với các đối thủ châu Âu và chiếm 19% thị phần xe điện châu Âu vào năm ngoái, tăng từ mức 16% vào năm 2022.

Tại hội nghị ô tô ở Munich, ông Thomas Schmall, thành viên hội đồng quản trị tại Volkswagen, nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu, cho biết: "Cánh cửa đang dần đóng lại. Theo tôi, vẫn còn hai hoặc ba năm nữa, và nếu chúng ta không nhanh lên, ngành công nghiệp Đức sẽ rất khó tồn tại".

Theo ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis, tập đoàn ô tô lớn thứ tư thế giới, các nhà sản xuất ô tô "không còn nhiều thời gian" để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, đồng thời kêu gọi giảm thiểu các quy định rườm rà và thủ tục hành chính không cần thiết.

Các giám đốc điều hành cho biết, sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc, và triển vọng phát triển của các nhà máy Trung Quốc ở châu Âu đang buộc các nhà sản xuất tìm kiếm sự hợp tác với các đối thủ lâu năm.

Động thái này nhằm gây sức ép lên các nhà cung cấp trong việc giảm chi phí, và tăng cường thảo luận với các công đoàn châu Âu về tác động tiềm ẩn đối với nhà máy và vấn đề việc làm.


Thủ tướng Ý, ông Giorgia Meloni, người muốn Stellantis tăng sản lượng hàng năm ở Ý từ khoảng 750.000 xe vào năm 2023 lên một triệu xe.

Ra đời từ thương vụ sáp nhập giữa Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và PSA Group, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới Stellantis đã sản xuất hơn 1 triệu xe trong nước vào năm 2017, bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ.

Kể từ khi sáp nhập, Stellantis đã giảm 13% nhân công xuống còn khoảng 125.000 nhân viên, chủ yếu diễn ra thông qua các chương trình thôi việc tự nguyện được đàm phán với các công đoàn lao động. Ý là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt cắt giảm này, chiếm hơn một nửa tổng số nhân viên bị cắt giảm.

Stellantis đang cho ra mắt một chiếc Citroen điện nhỏ với giá 20.000 euro, mà Tavares cho biết là "ở mức giá phù hợp" để cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Thuế quan có thể tạm thời thu hẹp hoặc loại bỏ lợi thế chi phí mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có được từ chuỗi cung ứng của họ. Nhưng các nhà sản xuất ô tô Đức cảnh báo rằng điều này có thể phải trả giá đắt nếu Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách áp đặt thuế quan lên đối với các sản phẩm đến từ Mercedes-Benz, VW, hay BMW.