Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Sẽ không còn nhiều hãng xe điện Trung Quốc có lãi trong tương lai

Huy Văn: Thứ năm 01/08/2024, 08:49 (GMT+7)

Ngành công nghiệp xe điện đã và đang phát triển nóng trong những năm gần đây, với sự trỗi dậy và dẫn đầu bởi quốc gia tỷ dân Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, do cuộc chiến về giá xe điện kéo dài, sẽ không có nhiều hãng xe điện Trung Quốc có lãi trong tương lai.

Mới đây, theo công ty tư vấn Alixpartners có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, sẽ chỉ có 19 trong số 137 thương hiệu xe điện tại của Trung Quốc có lãi vào cuối thập kỷ này, số còn lại sẽ buộc phải rời khỏi ngành, hợp nhất hoặc chỉ có thể tranh giành một thị phần rất nhỏ.

Bà Yuqian Ding, chuyên gia, người đứng đầu mảng nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô của công ty dịch vụ tài chính HSBC Qianhai, Thâm Quyến, Trung Quốc chia sẻ: “Chúng ta đang có quá nhiều thương hiệu, quá nhiều các mẫu xe trên thị trường. Do đó, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc trong tương lai sẽ có xu hướng hợp nhất. Hiện tại quốc gia này đã có một số các công ty nhỏ đang gặp khó khăn trong sản xuất xe cũng như trả lương cho nhân viên. Một số khác thì đang tính đến việc cắt giảm số lượng xe bán ra thị trường. Việc hợp nhất các công ty nhỏ chính là cách mà thị trường ô tô Trung Quốc hướng tới trong tương lai.”

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Cuộc chiến về giá xe điện ở thị trường Trung Quốc kéo dài 2 năm qua đã gây áp lực lớn lên tỷ suất lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất xe điện. Chưa kể cuộc chiến về giá này có thể sẽ tiếp tục kéo dài khi các công ty dẫn đầu như BYD hay Tesla tìm cách để củng cố vị trí dẫn đầu của họ.

Như với BYD, chỉ riêng vào đầu tháng 7 vừa qua, tập đoàn này đã công bố hàng loạt xúc tiến trong công cuộc mở rộng thị trường, như xây dựng một nhà máy xe điện trị giá 1 tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp quản nhà máy của Ford Motor ở Brazil hay khai trương nhà máy xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan. Ông Stephen Dyer, giám đốc điều hành của Alixpartners cho biết: “Chừng nào các công ty lớn như BYD vẫn còn tỷ suất lợi nhuận gộp thì sẽ luôn có chỗ cho một cuộc chiến giá cả tiếp theo”.

Ông Zhu Jiangming giám đốc điều hành Start-up xe điện Leapmotor có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chia sẻ: “Với Trung Quốc, tôi dự đoán cuộc chiến về giá sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 năm nữa. Còn thị trường toàn cầu, sẽ phải mất tới 5 - 10 năm. Về cơ bản, chỉ khi xe điện thực sự phổ biến, thị trường dần ổn định, khi đó mới hết cạnh tranh về giá.”

Như vào cuối năm ngoái, WM Motor - một trong những startup xe điện đầy hứa hẹn tại Trung Quốc - đã phá sản sau hàng loạt khó khăn. Nhà sản xuất ôtô này cho biết hoạt động kinh doanh của đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong những năm gần đây do tác động của đại dịch COVID-19, thị trường trì trệ, giá nguyên liệu thô biến động lớn và không huy động được vốn cần thiết cho hoạt động và phát triển.

WM Motor ghi nhận thua lỗ tăng gấp đôi trong vòng 3 năm, lên 8,2 tỷ nhân dân tệ (1,13 tỷ USD) năm 2021. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Ôtô Trung Quốc, WM Motor bán được 35.000 xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện trong năm 2021. Con số năm 2022 cũng tương tự. Nhưng 8 tháng đầu năm 2023, công ty này chỉ bán được gần 1.400 chiếc.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Theo Alixpartners, giá bán ô tô trung bình tại Trung Quốc giảm 13,4% trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận trung bình của các nhà sản xuất ô tô tăng lên 7,8% từ 6,3% trong năm 2022. Đó là nhờ việc các nhà sản xuất Trung Quốc gây áp lực, ép giá lên các nhà cung cấp, đồng thời tăng tiến độ ra mắt các mẫu xe mới.

Thống kê cũng cho thấy, đến cuối năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến sẽ nắm giữ 33% thị trường ô tô toàn cầu và 45% doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới. Tuy nhiên, công ty này đã hạ mức dự báo về thị phần ô tô tại Châu Âu của Trung Quốc xuống từ 15% còn 12% sau khi liên minh Châu Âu áp thuế bổ sung với xe điện từ thị trường tỷ dân.

Báo cáo mới nhất của Alixpartners cũng tiết lộ một chi tiết đáng kinh ngạc về số giờ làm thêm mà công nhân Trung Quốc có thể đảm nhận tại các nhà máy sản xuất xe hơi của các thương hiệu EV mới. Theo đó, họ có thể làm thêm tới 140 giờ mỗi tuần, trong khi công nhân tại các hãng xe truyền thống chỉ làm thêm tối đa 20 giờ.

Trở lại với Việt Nam, hiện có hơn 10 hãng xe Trung Quốc vào thị trường kinh doanh như MG, Chery, Wuling, v.v… Trước khi xe điện Trung Quốc ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam, nhiều người đã lo ngại rằng thương hiệu Việt Vinfast có thể bị áp đảo về giá. Nhưng thực tế, hiện Vinfast có xe VF giá từ 235 - 315 triệu đồng, hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe điện giá rẻ nhất trên thị trường Việt hiện nay là Wuling Hongguang Mini EV với giá từ 239 - 279 triệu đồng. Hay với mức dưới 500 triệu thì thương hiệu Việt có VF 5 Plus giá từ 468 - 548 triệu đồng. Với dòng xe cao cấp hơn, sắp tới chúng ta có VF8 với giá dao động từ 1 – 1,5 tỷ đồng, có thể cạnh tranh với BYD Seal có mức giá 1,1 – 1,3 tỷ.

Dù các NSX xe điện Trung Quốc có lợi thế về chuỗi cung ứng, tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận của ô tô, nhưng có thể thấy thương hiệu Việt cũng đang tận dụng tối đa lợi thế của mình như hệ thống trạm sạc, hệ sinh thái khách hàng v.v… Tất cả đang góp phần tạo nên một bức tranh sôi động cho thị trường xe hơi.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn