Nhà ở xã hội: Làm một căn còn hơn không làm gì

Sau khi Thủ tướng Chính phủ xác định phải tập trung nguồn lực để phát triển nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp, rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã đánh tiếng sẽ tham gia vào lĩnh vực vốn không mấy hấp dẫn này.

Tuy vậy, không ít ý kiến lo ngại rằng, đây có thể chỉ là động thái mang tính “bắt trend” của các doanh nghiệp hơn là thể hiện trách nhiệm thực sự với xã hội. PV VOV Giao thông đối thoại với Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng xung quanh vấn đề này.

PV: Vừa qua, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã bắt đầu nhúng tay vào câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, ông nhận định ra sao về xu hướng này?

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Ở các nước trên thế giới khi các tập đoàn kinh tế trở nên hùng mạnh thì việc họ sẽ làm gọi là “giving back” tức là đóng góp lại cho xã hội.

Trong trường hợp này, tôi đang nhìn thấy các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hướng đến việc xây nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội với mục đích giúp ích cho xã hội thì là điều đương nhiên.

Ở góc độ quản lý vận hành doanh nghiệp thì đây cũng là cách để nhân viên họ nhận biết được văn hóa đưa giá trị của doanh nghiệp đóng góp lại cho xã hội.

Có thể lợi ích không cao nhưng cũng là cách để bộ máy vận hành trơn tru, tạo cơ hội cho đội ngũ của họ có kinh nghiệm, được va chạm, được có những góc nhìn khác nhau về nhà ở…

Trong đó lý do lớn nhất theo tôi là họ giúp cho xã hội, giúp cho cuộc sống này, giúp cho đô thị chúng ta đang sống.

PV: Phải chăng khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại và việc bắt tay vào nhà ở xã hội là một xu thế mà các doanh nghiệp bất động sản muốn thay đổi? Tuy vậy, sự thay đổi này mang đến ít nhiều nghi ngờ về tính bền vững. Liệu đây có phải là cứu cánh thực sự cho người thu nhập thấp đô thị, hay chỉ là một cuộc chơi mang tính thời điểm của các nhà phát triển bất động sản?

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Từ góc nhìn xã hội và tích cực thì việc họ có làm một căn nhà ở xã hội còn tốt hơn họ không làm gì, mỗi người giúp một tí thì xã hội sẽ được nhân lên và tạo thành một sức ảnh hưởng.

Do vậy, dù thị trường có thăng trầm thế nào, khó khăn khiến họ không làm nhà ở thương mại mà chuyển sang nhà ở xã hội thì tôi vẫn nghĩ cần được khuyến khích.

Còn đằng sau quyết định của họ là lợi ích kinh tế hay nguyên nhân a, b, c…gì đó để họ làm thì với tôi không quan trọng, nhưng từ góc độ xã hội mang tính nhân văn thì họ đã làm ra một cái nhà cho một tổ ấm

PV: Đây là một nhu cầu bức thiết không chỉ của Việt Nam mà của cả các quốc gia khác, vậy từ góc độ chính sách, chúng ta cần lưu ý gì hoặc cần đảm bảo sự ổn định như thế nào để chủ trương này được duy trì liên tục?

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Cần phải thẳng thắn rằng làm nhà ở chính sách, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp ở Việt Nam thực ra biên độ lợi nhuận không nhiều.

Các doanh nghiệp bất động sản khi đặt vấn đề làm nhà ở thu nhập thấp chắc chắn có nghĩ đến lợi nhuận nhưng đó không phải là câu chuyện của nhà ở thương mại, càng không phải là yếu tố sống còn của doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận.

Do vậy, những nhà làm chính sách cần có những cơ chế thông thoáng để giúp họ. Với tôi thì ở góc độ chính sách cần quan tâm đến quỹ đất, cơ chế hành lang pháp lý nào để tạo điều kiện nhanh nhất cho họ phát triển dự án.

Và cuối cùng là liệu họ có được tiếp cận được nguồn vốn với ưu đãi tốt hơn hiện tại hay không.

PV: Xin cảm ơn ông!