Nhà ở xã hội, đừng để ‘cú hít’ trở thành ‘cú sốc’

Việc tăng lãi suất đã phần nào tác động đến việc sở hữu nhà ở xã hội đối với người lao động. Nên chăng việc tăng lãi suất cần được thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc cho người vay. Ngoài ra cần có thêm các biện pháp hỗ trợ từ phía chính phủ để giảm bớt gánh nặng cho người lao động.

 

Việc tăng lãi suất đã phần nào tác động đến việc sở hữu nhà ở xã hội đối với người lao động. Ảnh: Lao động

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và cận nghèo được cơ hội sở hữu một mái ấm, thời gian qua chính phủ đã triển khai nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ đáng kể. Trong đó Nghị định số 100/2024/NĐ-CP được xem như cứu cánh cho người lao động hiện nay khi đã nới lỏng các điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định lại về thu nhập, diện tích căn hộ.

Nếu việc nới lỏng các quy định được xem như mở rộng cánh cửa cho những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì việc tăng lãi suất như đang dần khép cánh cửa này lại. Sự tăng lãi suất từ 4,8% lên 6,6% đã gây ra nhiều lo lắng cho người lao động, đặc biệt là những người đã và đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, thậm chí phải từ bỏ giấc mơ sở hữu căn nhà do chi phí tăng cao.

Việc tăng thêm 1,8% lãi suất là một con số không hề nhỏ đối với người dân. Vì khi tăng lãi suất so với mức cũ, trong khoảng thời gian vay từ 15 - 25 năm, chi phí căn nhà sẽ bị đội lên hàng trăm triệu đồng. Lúc này đây với những người đã vay vốn sẽ phải đối mặt với thực tế rằng “lãi suất cao hơn, niềm vui ít đi”.

Có thể thấy việc tăng lãi suất góp phần đáng kể vào việc ổn định thị trường bất động sản cũng như ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Đồng thời, nó cũng có thể khuyến khích người vay sử dụng vốn một cách cẩn trọng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi mà thu nhập và việc làm vẫn còn nhiều bất ổn, thì liệu việc tăng lãi suất thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dân hay không, có giúp người dân dễ dàng hơn trong việc sở hữu một căn nhà hay lại là gánh nặng về chi phí?

Để chính sách thực sự nhân văn, giúp những người khó khăn có được chỗ ở. Bên cạnh việc mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội thì Chính phủ và các ngân hàng liên quan cần xem xét lại các chính sách hỗ trợ, cũng như cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt hơn.

Điều này không chỉ giúp người lao động có thể tiếp tục mua nhà mà còn góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường nhà ở xã hội. Đừng để những chính sách được xem là ‘cú hít’ bỗng hóa thành ‘cú sốc’ cho những giấc mơ an cư của người lao động hiện nay.