Người mới có GPLX được quản lý thế nào?

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đề xuất: Người được cấp GPLX dưới 1 năm không chạy ôtô quá 60km/h và không chạy trên cao tốc, tuy nhiên, ngay sau đó, đã thu hồi văn bản. Vậy kinh nghiệm quản lý của một số nước đối với người mới được cấp GPLX như thế nào?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Mỗi địa phương ở Canada lại có quy định cấp bằng lái xe khác nhau. Ảnh: Barrie Today

Caleb Siemens,sinh sống ở Ontario, Canada khao khát có được tấm bằng lái xe chính thức để có thể một mình lái chiếc xe tải mới mua ra đường cao tốc.

Siemens đã vượt qua được bài thi trắc nghiệm các kiến thức về luật giao thông, biển báo... để lấy bằng G1 hay còn gọi là bằng dành cho người mới bắt đầu lái xe vào năm 2020, trước thời điểm dịch Covid bùng phát.

Điều đó có nghĩa là anh phải thực hành lái xe trong khoảng 12 tháng trước khi thi lấy bằng G2, trong thời gian này, anh phải tuân thủ một số quy định như không được có nồng độ cồn trong máu, không được lái ô tô một mình và phải luôn có một tài xế có ít nhất 4 năm kinh nghiệm ngồi ở ghế kế bên, không được lái ô tô trên đường cao tốc có giới hạn tốc độ trên 80km/h, và không được lái ô tô từ nửa đêm đến 5h sáng.

Thế nhưng, sau 1 năm, do Covid 19 mà số lượng đơn đăng ký dự thi bị tồn đọng quá nhiều, đến giờ, anh vẫn chưa biết khi nào mới có thể thi tiếp để lấy bằng G2, vốn yêu cầu phải làm bài kiểm tra đường bộ. Giấy phép G2 sẽ cho phép anh ta lái xe một mình và trên đường cao tốc.

“Điều này thực sự bất tiện. Tôi không thể tự vào thị trấn để mua đồ. Tôi phải nhờ hàng xóm đi cùng hoặc đưa tôi đến nơi làm việc”, Siemens nói.

Được biết, theo quy định ở tỉnh Ontario, người có bằng G2 không được lái ô tô sau khi uống rượu. Trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi lấy bằng G2, tài xế chỉ được chở duy nhất một hành khách từ 19 tuổi trở xuống. 6 tháng sau đó và cho đến lúc lấy bằng G đầy đủ hoặc bước sang tuổi 20, tài xế được phép chở 3 hành khách từ 19 tuổi trở xuống. Sau 12 tháng lái xe với bằng G2, tài xế có thể thi lấy bằng G đầy đủ.

Có thể thấy, quy trình cấp bằng lái xe Canada không hề đơn giản, tuy nhiên, từng địa phương lại có quy định cấp bằng lái xe khác nhau.

Anh Nguyễn Minh Quân, 30 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Moncton, tỉnh New Brunswick, cho biết anh đã có bằng lái xe ô tô ở Việt Nam nên khi sang Canada anh chỉ mất 1 năm (không cần chờ thêm 1 năm để thi thực hành) để có bằng đầy đủ (Full), còn thông thường tài xế phải mất tối thiểu 18 tháng, trước tiên là lấy bằng Level 1 (Cấp độ 1) sau khi qua được bài thi lý thuyết, rồi tới bằng Level 2 (Cấp độ 2) nếu qua được bài thi thực hành lái xe trên đường.

“Sau khi qua kỳ thi lý thuyết, đối với những người chưa có kinh nghiệm lái xe thì sẽ phải đợi từ 6 tháng đến 1 năm mới được thi thực hành tại vì nếu bạn đi học lớp Lái xe an toàn thì bạn sẽ được thi trong vòng 6 tháng kể từ ngày bạn thi đỗ lý thuyết, còn nếu không tham gia lớp học này bạn sẽ phải đợi 1 năm mới được tham gia thi thực hành. Trong thời gian đợi đó, bạn vẫn được lái xe nhưng phải có người có kinh nghiệm trên 3 năm ngồi bên cạnh”, anh Quân cho biết.

Trong khi đó, người có bằng lái Cấp độ 2 được phép chở tối đa 3 người trên xe, nhưng vẫn bị cấm lái xe ra đường trong thời gian 0-5 giờ sáng như Level 1, trừ khi có tài xế giám sát đi cùng, hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Sau 1 năm, bạn sẽ được đổi sang bằng Full.

Việc cấp bằng lái ở nhiều nước mất nhiều thời gian và khá phức tạp. Ảnh: CTV News Toront

Theo anh Quân, dù mất nhiều thời gian để có được bằng lái xe chính thức nhưng anh thấy quy định này là cần thiết để đảm bảo tài xế có đủ kiến thức và kỹ năng lái xe khi một mình lưu thông trên đường: “Cái này nó liên quan đến tính mạng con người, tài sản nữa mà tính mạng rất quan trọng, do đó việc luyện tập càng lâu để có một bằng Full như thế, theo mình là hợp lý”.

Tương tự, tại Brazil, các tài xế cũng phải tham gia từ 9 đến 15 lớp học lái xe và chỉ nhận được bằng lái tạm thời trong một năm sau khi đỗ các kỳ thi phổ quát. Chỉ đến khi cam kết không có bất cứ vi phạm nào trong năm đó họ mới được cấp bằng chính thức.

Còn tại Nhật Bản, những người mới lấy bằng lái xe phải dán biểu tượng Shoshinsha, hay Wakaba, có hình mũi tên nửa màu xanh nửa màu vàng ở trước hoặc sau xe trong một năm, nhằm thông báo cho mọi người rằng sau vô lăng là người mới biết lái xe mong mọi người kiên nhẫn và thông cảm.

Nhìn chung, việc cấp bằng lái ở nhiều nước mất nhiều thời gian và khá phức tạp, việc xử phạt cũng thực hiện nghiêm khắc, để tạo tính răn đe do đó người dân rất có ý thức trong việc học thật, lái thật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Còn tại Việt Nam, TS Khương Kim Tạo, Nguyên phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng người đã được cấp giấy phép lái xe tức là đủ năng lực điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ Việt Nam; do đó, cần đảm bảo chất lượng từ khâu đào tạo, cấp bằng lái, thay vì căn cứ vào thời gian lái xe để đánh giá năng lực.

“Tôi nghĩ rằng cái mấu chốt là chúng ta cần dạy và hướng dẫn cho người lái xe phải biết kiểm soát điều kiện an toàn, sức khỏe của người ta đến đâu, năng lực điều khiển tốc độ đến đâu thì người ta chỉ lái xe đến mức đó thôi. Và kỹ năng lái xe cũng như hiểu biết về luật pháp, các quy tắc lái xe, quy tắc tham gia giao thông, chúng ta phải dạy rất kỹ để đảm bảo an toàn giao thông”, TS Khương Kim Tạo nêu ý kiến.