Nghề trồng nhút lao đao vì thời tiết

Nghề trồng rau nhút được một số nông dân ở Sài Gòn ưa chuộng, bởi thu nhập khá, không mất nhiều công chăm sóc, đầu ra lại ổn định.

Nhưng nhiều năm gần đây, do biến động về thời tiết, cộng thêm nguồn nước không được trong lành như xưa, nên người nông dân trồng rau nhút cũng vất vả hơn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nghề trồng rau nhút được một số nông dân ở Sài Gòn ưa chuộng.

Một ngày của ông Nguyễn Văn Thật, phường Thới An, quận 12 bắt đầu từ 5 giờ sáng. Trang phục quen thuộc là một đôi ủng, chiếc quần chống thấm nước.

Ông Thật vừa trò chuyện vừa căng dây cước sát mặt nước. Các dây cước này có nhiệm vụ không cho rau chìm và xô lại với nhau. Cứ thế, chân bước, tay kéo, những luống rau dài kết lại với nhau, thả trôi trên mặt nước như một chiếc thuyền.

Những ngày này, vào lúc sáng sớm Sài Gòn nhiệt độ thấp hơn, trưa lại nắng gay gắt, nên 6 tiếng trầm mình ở mực nước từ 80cm – 1m không phải là chuyện đơn giản.

"Làm suốt cho tới 12 giờ, có khi hơn nữa, 1 giờ mới vô nhà. Vô nhà nghỉ tí đến 3-4 giờ chiều lại ra làm, 5-6 giờ chiều mới nghỉ, có khi hơn nữa mới nghỉ được. Rồi 2 giờ sáng lại dậy đi giao, đi bán", ông Thật chia sẻ.

Theo ông Thật, toàn bộ khu vực đất trống tại phường Thới An đều được người dân thuê để trồng rau nhút. Người Bắc có, người Nam có. Cứ đi một đoạn lại có một cánh đồng rau nhút xanh rì. Dịp cận Tết, nhu cầu rau xanh tăng cao nên tấp nập người hái, người phân loại để kịp giao cho thương lái.

Trồng rau nhút đòi hỏi công chăm sóc, bón phân, thu hoạch kỹ lưỡng. Đặc biệt phải giữ cho nguồn nước sạch, không ô nhiễm thì cây rau mới sinh trưởng tốt.

Ông Huỳnh Lê Hiến đã có hơn 20 trồng rau nhút chia sẻ, trước kia diện tích được khoảng 5.000m2, nhưng giờ do đô thị hóa nên chỉ còn lại chừng 2.000m2. Giá thuê 5 triệu đồng/1.000m2 trong một năm. Mùa thuận cây dễ tốt, nhưng mùa nghịch rơi vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, do ảnh hưởng của mưa ngâu, gió bấc nên cây bị giá, củ không được mập mạp và năng suất thấp.

"Rau giờ không bằng ngày xưa nữa. Ngày xưa mập hơn, trắng trẻo hơn. Bây giờ nước ít, đường nước vào cũng không còn được nhiều nữa, nó không được màu mỡ nữa. Ruộng rau nhìn thấy xấu không? Rau không có nhiều. Mà thị trường cái gì cứ không có là rau sẽ bị mắc, nó đẩy giá lên, giống như thịt heo đó. Lúc nó rẻ bán không được luôn. Lúc nó mắc thì không có rau mà bán. Lúc đó nó chết hết rồi, hư hết rồi nên bán không có được", ông Huỳnh Lê Hiến nói.

Gốc rau nhút được cắm thẳng xuống nền ruộng. Một số nơi cải tiến bằng cách cho bộ rễ nổi trên mặt nước và cố định vào hệ thống ống cao su. Thường mỗi ngày, ông Hiến thu hoạch được khoảng gần 200 ký rau. Rau được bán cho thương lái với giá 40.000 đồng/bó, mỗi bó nặng từ 3-4 ký; một phần ít ông trực tiếp ra các chợ lân cận bán để kiếm thêm thu nhập: "Buổi sáng mình bẻ xong có một người ngồi trên bờ phân loại ngắn dài rồi xong mới ra thành phẩm. Có thành phẩm xong chiều mới đi giao mối. Nông dân thì vất vả rồi".

Thu nhập mỗi hộ dân, tùy vào diện tích, rơi vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhưng không phải không có những lúc lao đao. Đó là mấy năm trước khi có tin đồn thất thiệt rau nhút không có lợi cho sức khỏe hay những lúc nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn. Ông Nguyễn Văn Thật cũng đã từng trải qua những lúc rau bị ế ẩm, chia sẻ: "Nó bị ế một thời gian, nhà hàng không dám lấy nữa. Lúc đó ế, ít người mua lắm. Dần dần mới vượt qua. Còn đất xấu, rồi phèn nó lên do mình làm phân thuốc nhiều giờ nó cũng không được tốt đẹp như người ta, cũng bị ảnh hưởng nhiều từ đất phèn".

Mặc dù ít bị ảnh hưởng, nhưng người nông dân trồng rau nhút cũng rơi vào hoàn cảnh được mùa, mất giá. Thời điểm cuối năm, giá rau đang tăng trở lại, nhưng nông dân lại đang than vì khí hậu trở lạnh dẫn đến không có đủ rau để cung cấp cho thị trường.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: