Nghề 'nhồi khách' lên tàu có gì thú vị?

VOVGT - Số lượng người đi tàu điện quá lớn ở Nhật là nguyên nhân để một công việc vô cùng kỳ lạ xuất hiện

 

Chỉ ở Tokyo đã có gần 40 triệu lượt khách đi tàu điện mỗi ngày

Nhật Bản là một trong số những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới. Nổi tiếng luôn đúng giờ; và phần lớn người dân chọn xe buýt hay tàu điện làm phương tiện di chuyển chính.

Theo nghiên cứu mới đây của Train Media, dân số Nhật Bản khoảng 127 triệu người, thì có đến 48% thường xuyên đi tàu điện. Chỉ tính riêng ở Thủ đô Tokyo, gần 40 triệu lượt hành khách mỗi ngày, trong đó có tới 8,7 triệu người đi tàu điện ngầm/ngày - chiếm khoảng 22%. Tuy vậy các chuyến tàu tại Nhật vẫn luôn luôn đúng giờ, rất hiếm khi xảy ra tình trạng chậm chuyến.

Bà Yuko Mito, một phóng viên chia sẻ về khởi nguồn thói quen đi tàu điện của người Nhật:

 

“Trước đây, người Nhật vẫn thường sống gần nơi làm việc. Tuy nhiên, sau thảm họa động đất Kanto năm 1923, người dân chuyển sang sinh sống tại các khu ngoại ô. Do đó, họ dần có thói quen bắt tàu điện để đi làm, đi học”.

Tuy nhiên, số tàu, số chuyến chỉ có giới hạn. Và ai cũng muốn lên tàu để kịp giờ làm, giờ học. Với số người đi tàu lên tới hàng chục triệu, đặc biệt là trong giờ cao điểm, sẽ rất khó để đảm bảo mọi thứ được trơn tru. Đó là một trong những lí do để nghề đẩy khách, hay được gọi là Oshiya, ra đời..

Nghề đẩy khách có mặt tại Nhật từ năm 1967. Các Oshiya xuất hiện để đảm bảo an toàn cho hành khách, cũng như giúp các chuyến tàu có thể khởi hành đúng giờ.

Một vài người dân sống tại thủ đô Tokyo cho biết:

 

“Ở Nhật Bản, bất cứ điều gì chậm hơn dù chỉ một phút đều khó có thể chấp nhận được”.

“Thật là kì diệu khi tàu điện ở đây luôn luôn đúng giờ”.

Công việc "nhồi khách" không hề đơn giản

Công việc của các Oshiya tưởng chừng như rất đơn giản. Tất cả những gì họ phải làm là khi giờ cao điểm bắt đầu, các toa tàu bắt đầu chật cứng, họ sẽ cố gắng đẩy càng nhiều người càng tốt để lấp đầy các toa tàu, đến mức chỉ vừa đủ khép cửa tàu thì thôi. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng làm một Oshiya không hề dễ.

Nhiều người cho rằng, làm nghề này chỉ cần sức mạnh. Nhưng thực tế, công việc của một Oshiya không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn cần rất nhiều kỹ năng. Một Oshiya phải trải qua quá trình đào tạo 6 tháng.

Đầu tiên, khi đẩy khách, Oshiya nên sử dụng cả hai tay, vì áp lực đẩy bằng hai tay sẽ cân bằng hơn so với đẩy bằng một tay, đảm bảo không đẩy hành khách ngã xuống đường. Thứ hai, Oshiya chỉ có thể đẩy lưng và vai của hành khách, tuyệt đối không được chạm vào các bộ phận cơ thể khác. Thứ ba, Oshiya cần phải giữ chân thật chắc vì những hành khách chờ ở sân ga có thể đẩy Oshiya vào trong tàu.

Còn đối với các hành khách, cảm giác bị đẩy, nhồi nhét trong các toa tàu chắc chắn chẳng vui vẻ gì. Năm 2016, nhiếp ảnh gia Michael Wolf thực hiện một bộ ảnh mang tên “Sức ép Tokyo”, ghi lại những hình ảnh đau khổ của những người đi tàu.

Tuy vậy, áp lực có mặt tại trường, tại nơi làm việc đúng giờ khiến người dân Nhật vẫn lựa chọn đi tàu điện. Và lí do này lại khiến công việc của các Oshiya nói riêng và ngành đường sắt nói chung của Nhật càng trở nên áp lực hơn bao giờ hết. Một chuyến tàu bị chậm vài phút có thể ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng nghìn người.

Ông Kazunori Fujishiro, giám sát viên của một trung tâm huấn luyện đường sắt tại Nhật cho biết:

 

“Trải qua thời gian, nhân viên đường sắt có thể tự mãn vì những kĩ năng của mình. Do đó, chúng tôi huấn luyện nhân viên ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Hình ảnh tàu điện luôn luôn đúng giờ, nhân viên thân thiện chính là thành quả từ cách huấn luyện này”.

Theo một thống kê cho thấy, 40% dân số Nhật Bản sống tập trung tại 3 khu đô thị lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng người đi tàu thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Vì lẽ đó, dù nghề đẩy khách không được mấy người ưa thích, nhưng trừ phi chính phủ có thể tăng số ga, số tuyến tàu và số chuyến hàng ngày, thì công việc này vẫn rất cần thiết.