New York sẽ dùng tiền thu phí tắc nghẽn như thế nào

Kế hoạch của chính quyền thành phố New York, Mỹ hiện vẫn gây không ít tranh cãi, trong đó nhiều người đặt câu hỏi, nhà chức trách sẽ sử dụng khoản tiền 15 tỷ USD mỗi năm, dự kiến thu được từ phí chống tắc nghẽn như thế nào.

Thời điểm này, đi dọc các tuyến đường ở Manhattan, khu vực trung tâm thương mại, có mật độ dân số cao nhất New York, có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm camera mới được lắp đặt, bao phủ trên mọi làn đường. 

Giờ cao điểm ở New York  (Ảnh: Bloomberg)

Hiện tại một số nút giao chính như đường hầm Lincoln, hầm Holland hay Queens Midtown nhà chức trách đã thông báo mức phí 14 USD cho mỗi lượt phương tiện đi qua. Các tuyến đường khác sẽ ễn phí, cho đến khi chương trình thu phí chống tắc nghẽn vào trung tâm New York chính thức triển khai từ đầu năm 2024.

Bà Kate Slevin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch New York chia sẻ: “New York sẽ là thành phố đầu tiên thu phí vào trung tâm. Đây sẽ là hình mẫu cho các thành phố khác trên khắp nước Mỹ suy nghĩ về cách họ sử dụng không gian đường phố như thế nào”.

Quyết định thu phí chống tắc nghẽn kỳ vọng sẽ giúp hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, từ đó kéo giảm lượng khí thải CO2 ở trung tâm New York.

Tuy nhiên, một kế hoạch có quy mô đồ sộ như vậy sắp ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi ngày và không phải ai cũng đồng tình. Ông Tom Bracken, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Phòng thương mại New Jersey nhận định: “Hầu hết mọi người chỉ tập trung vào thực tế là họ sẽ phải trả một khoản phí đắt đỏ nếu muốn vào trung tâm Manhattan. Túi tiền luôn được người ta ưu tiên hơn so với các vấn đề môi trường hoặc bất cứ điều gì khác”

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát leo thang, việc phát sinh khoản phí mới cũng khiến nhiều người dân New York bức xúc. Anh Yousuf White, một cư dân sống ở New Jersey bày tỏ: “Tất cả mọi thứ ở New York đều tăng giá, trừ tiền lương, nên chúng tôi chưa biết sẽ phải kiếm khoản phí này từ đâu”.

Một câu hỏi khác được đặt ra, đó là nhà chức trách sẽ sử dụng khoản tiền lên tới 15 tỷ USD mỗi năm, dự kiến thu được từ phí chống tắc nghẽn, như thế nào.

Về vấn đề này, ông Danny Pearlstein, Giám đốc Chính sách và Truyền thông New York cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng một phần doanh thu cho việc bảo trì hệ thống giao thông công cộng. Như chúng ta đã biết, hệ thống giao thông công cộng mà hàng triệu người dân New York sử dụng hàng ngày từ lâu đã bị ngừng đầu tư. Nhiều bộ phận của hệ thống về cơ bản đã phải chịu đựng một thế kỷ trì hoãn công tác bảo trì”.

Theo một khảo sát mới đây của Cơ quan Giao thông đô thị Mỹ, nhiều người sẵn sàng sử dụng xe buýt, tầu điện ngầm thường xuyên hơn nếu chất lượng dịch vụ được cải thiện. Ông Richard Davey, Chủ tịch Cơ quan Giao thông vận tải New York cho biết: “Khách hàng của chúng tôi nói rằng họ muốn dịch vụ nhanh và đáng tin cậy hơn nhưng thực tế rất khó khăn, bởi nhiều hệ thống được lắp đặt từ những năm 1950. Chúng vẫn hoạt động nhưng cần sự đổi mới và đầu tư”.

Các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Williamsburg ở New York (Ảnh: Shutterstock)

Được biết, một phần từ khoản doanh thu 15 tỷ USD sẽ được New York dành để tài trợ cho việc xây dựng 4 nhà ga tàu điện mới ở khu vực Bronx giúp hành khách tiếp cận tàu điện dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng đang tăng tốc đầu tư vào công nghệ xe buýt sạch, dự kiến bắt đầu thử nghiệm công nghệ buýt sử dụng pin nhiên liệu hydro vào năm 2025.Tham vọng lớn, nhưng theo các chuyên gia số tiền 15 tỷ USD không đáp ứng đủ tất cả các nhu cầu của Cơ quan giao thông đường bộ. Ước tính, New York cần khoảng 54 tỷ USD để cải thiện hệ thống giao thông công cộng, bao gồm nâng cấp đường ray, sửa chữa tuyến đường sắt trên cao và các công trình khác.

Tuy nhiên, bà Julie Tighe, Chủ tịch Liên đoàn cử tri New York cho rằng, kinh nghiệm từ các thành phố thu phí phương tiện vào nội đô trên thế giới cho thấy, lợi ích trước mắt và lâu dài là sức khỏe cộng đồng: “Ở London, Anh họ đã giảm được 20% lượng ô nhiễm khí thải dạng hạt. Trong khi đó, thủ đô Stockholm của Thụy Điển giảm 15% khói bụi, dẫn tới bệnh hen suyễn của người dân giảm 50%”.

Tại Việt Nam, ý tưởng thu phí vào nội đô từng được Hà Nội và TP.HCM đề xuất. Cụ thể, theo đề án thu phí ôtô vào nội đô ở Hà Nội, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô với tổng đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Ước tính, với mức thu khởi điểm là 50.000 đồng/lượt và tối đa 100.000 đồng sẽ làm tăng ngân sách lên 300 tỷ đồng mỗi năm và giảm ùn tắc khoảng 20%. Thời gian đề xuất bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.

Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND thành phố thực hiện lập dự án “Thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố” để giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, đến nay chưa đề án thu phí vào nội đô nào ở Hà Nội và TP.HCM được chính quyền chấp thuận bởi còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.