Nên làm gì khi người bệnh tâm thần gây nguy hiểm trong cộng đồng?

Sự việc người đàn ông (được cho là bị bệnh tâm thần) cầm dao xông vào nhà hàng xóm tấn công tại chung cư The Light, Nam Từ Liêm (Hà Nội) ngày 21/7 vừa qua thêm một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý, điều trị cho người bệnh tâm thần trong cộng đồng.

Không dễ để nhận biết người có bệnh bởi triệu chứng rất đa dạng, khó xác định thời điểm bộc phát hành vi nguy hiểm cho người khác – Đó là một trong nhiều vấn đề được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Vượng, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Tâm thần Hà Nội nhắc tới khi trao đổi cùng PV VOV Giao thông về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều trị người bệnh tâm thần trong xã hội.

PV: Trước hết xin bác sĩ cho biết quy trình phối hợp giữa ngành Y tế và địa phương trong quản lý, điều trị ngoại trú cho người bệnh tâm thần?

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng: Đối với người bệnh tâm thần, sau khi điều trị tại bệnh viện chuyên khoa, họ sẽ có giấy ra viện, đơn thuốc và hướng dẫn điều trị và giấy ra viện về các trung tâm y tế. Ở các trung tâm y tế sẽ có các chuyên khoa tâm thần, có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, đảm bảo cho việc khám bệnh, kê đơn.

Bệnh tâm thần thì xác định là bệnh mãn tính, cần phải điều trị kéo dài, có một số mã bệnh phải điều trị cả đời.

Có một số mã bệnh khác có thể điều trị tối thiểu từ 1 đến 2 năm. Khi mà người bệnh được lập hồ sơ tại trung tâm y tế để điều trị ngoại trú thì bác sĩ cũng tư vấn cho gia đình hỗ trợ điều trị, quản lý hành vi, quản lý việc uống thuốc và theo dõi các dấu hiệu tái phát.

Người đàn ông cầm con dao trên tay tấn công hàng xóm ở chung cư The Light (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). (Ảnh: Chụp màn hình)

PV: Vậy khi gặp trường hợp bệnh nhân tâm thần đang gây nguy hiểm cho cộng đồng, chúng ta nên làm gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng: Khi người bệnh có hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh thì chúng ta sẽ tiếp cận với người bệnh bằng các hình thức khác nhau.

Đầu tiên chúng ta phải dùng lời nói, nhưng khi tiếp xúc gần với người bệnh cũng phải có khoảng cách để đảm bảo an toàn, để chính người bệnh cảm thấy họ được an toàn. Vì nhiều khi họ cầm dao là để họ tự bảo vệ họ chứ không phải họ có ý định tấn công người khác. Chúng ta sẽ dùng các câu nói mềm, không nói các câu quá phức tạp để tìm hiểu nguyên nhân.

Khi người bệnh bắt đầu có xu hướng giảm hành vi gây rối thì chúng ta có thể điều hướng hoặc giúp đỡ người bệnh chuyển sang môi trường giảm mức độ căng thẳng của bệnh. Sau đó chúng ta có thể báo với chính quyền địa phương và cơ sở y tế để hỗ trợ người bệnh.

Vì đôi khi người bệnh thì vẫn không thể tự kiểm soát hết hành vi, bắt buộc phải có sự tham gia của các nhân viên trình độ chuyên môn.

PV: Rõ ràng gia đình người bệnh và cộng đồng xung quanh cần có trách nhiệm nhằm giúp bệnh tình của người bệnh thuyên giảm, kéo giảm nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác và giúp người bệnh có thể hòa nhập cộng đồng dễ hơn. Điều này cần thực hiện cụ thể ra sao, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng: Vai trò của gia đình phải gắn kết với cộng đồng, nói rõ các biểu hiện bất thường của người bệnh để mọi người xung quanh biết, tránh bài xích người bệnh vì cảm xúc của người khác tác động đến người bệnh có thể gây ra cơn bộc phát về hành vi. Ngoài ra phải nâng cao kiến thức chung về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. Vì ngay cả nhân y tế của các chuyên ngành khác cũng chưa hiểu rõ về các mã bệnh về tâm thần.

Một số mã bệnh cụ thể thì người bệnh vẫn có thể tham gia các hoạt động xã hội tương đối đơn giản. Địa phương có thể hỗ trợ tạo công việc, hướng nghiệp cho người bệnh, vì gia đình họ không thể tự tạo ra việc làm cho người bệnh được.

Công việc mà người bệnh tham gia để hòa nhập sẽ giúp cho người bệnh cảm thấy tự tin hơn, thấy mình vẫn còn giá trị trong cuộc sống và họ tin tưởng vào việc điều trị, chấp nhận uống thuốc. Cũng phải tổ chức các CLB sinh hoạt gia đình người bệnh với nhau để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ.

Có thể chính quyền địa phương sẽ là cầu nối và có thể thêm bên tư vấn của phía y tế nữa.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.