Nên hay không nên làm công viên cho thú cưng ở đô thị?

Nhu cầu nuôi thú cưng tại các đô thị ngày càng tăng cao. Nhiều chủ vật nuôi đang loay hoay, vì mỗi khi đem thú cưng ra ngoài thì sợ mất vệ sinh, sợ ảnh hưởng người khác, mà suốt ngày nuôi nhốt thì tội nghiệp chúng.

Vậy có nên bố trí công viên hoặc khu vực riêng cho thú cưng tại các đô thị hay không? Nếu làm, cần chú ý điều gì? PV VOV Giao thông trao đổi với một số chuyên gia về nội dung này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc quy hoạch công viên dành cho thú cưng?

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư: Do chuyện người ta nuôi thú cưng đang như một nhu cầu, nhưng đô thị không có chỗ cho nó nên người ta cứ dắt đi loạn xạ, thậm chí làm ô nhiễm và gây tai nạn.

Nhưng câu chuyện không dừng ở đấy, mà cần phải có cái chỗ cho đội này, nhưng không gian chúng ta chưa hề có, mà cũng không có ai quan tâm.

Không gian dành cho thú cưng nó lồng kết trong nhiều không gian mà chúng ta còn rất thiếu ở các đô thị.

Bây giờ tìm chỗ thì chỗ ấy như thế nào? Phải có quy hoạch, mỗi khu dân cư phải tự sắp xếp, khu này được dắt chó ra công viên, chỉ ở chỗ này thôi. Phải tuyên truyền cho cộng đồng, mỗi một nơi thì phải có giới hạn và sinh hoạt kiểu này cho thú cưng.

Nên có một quy ước trước khi cái tự phát đang gây thành mối lo ngại, để khỏi ảnh hưởng đến không gian chung trong mỗi khu ở hay khu sinh hoạt chung.

Chính những nơi ấy phải đưa nội dung này vào cho phù hợp, cụ thể cho mỗi một nơi, ví dụ công viên, vườn hoa này thì nên quy định lại, chỉ ở góc này thôi và cho thú cưng vào đấy, như vậy để đưa người dân vào cuộc, thông qua các mệnh lệnh của chính quyền, rồi tổng kết ở cơ sở đã, bởi vì nó có những hệ lụy nhất định qua cái chuyện thú cưng cứ dắt lông dông ra ngoài.

Do vậy, mỗi nơi có quy định riêng phù hợp với chuyện là có một khu riêng cho thú cưng.

 

Ảnh nh họa

PV: Nếu dành một không gian riêng cho thú cưng như vậy, theo ông cần lưu ý những điều gì?

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư: Thứ nhất, nếu các công viên thì có thể có ra quy định và chọn một chỗ hợp lý, hợp lý về chuyện đi lại, không ảnh hưởng đến cái khác, đồng thời phải có mốc giới trong khuôn viên ấy để cho nó lồng trong công viên, nhưng vẫn không ảnh hưởng tới sinh hoạt vốn có cho người dân.

Phải riêng biệt khu này ra để rồi chúng ta thu phí, anh dắt chó ra công cộng anh phải trả tiền chứ.

Như vậy, lưu ý thứ nhất là chọn vị trí thích hợp, nhưng cuối hướng gió. Rồi giao thông đừng làm cho vướng chở. Thứ ba là tiện cho người có thú cưng cũng như người quản lý công viên, để cho người có thú cưng ra, xuất hiện trước công cộng là phải vào chỗ ấy, đúng vị trí quy định.

Hai nữa là phải trả phí.

PV: Xin cảm ơn ông

Trao đổi với PV VOV Giao thông, KTS Đinh Đăng Hải, cán bộ Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam cho rằng,  để quy hoạch những khu riêng biệt làm công viên cho thú cưng cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu của người sử dụng, từ đó mới có cơ sở khoanh vùng những khu công viên, vườn hoa sẵn có chứ không nên xây dựng công viên chuyên biệt dành cho thú cưng.

Còn KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì cho rằng, việc xây dựng công viên dành cho thú cưng chỉ nên thực hiện bởi các cá nhân, doanh nghiệp, còn không gian công cộng phải dành cho con người:

“Làm một công viên cho thú cưng là một chuyện, nhưng làm một không gian công cộng thì cần phải xem lại, bởi vì công viên cho thú cưng là một sở thích khá đặc biệt của một số người, còn không gian công cộng là cho tất cả mọi người.

Cho nên cái việc nên làm bởi vì đã từng có cả bệnh viện, có cả khách sạn cho thú cưng và người có thú cưng là người ta sẵn sàng chi trả cho việc đấy thì rất nên khuyến khích để cho tư nhân làm.

Còn cái công cộng là dành cho con người, phải có những điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo sự an toàn cho con người, trẻ nhỏ. Đặc biệt, khi tiếp xúc với súc vật thì nó có rất nhiều khả năng truyền dẫn dịch bệnh nguy hiểm", KTS Trần Huy Ánh nói.