Một trong hai công dân thủ đô ưu tú được đề nghị tước danh hiệu là ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, tại thời điểm được trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016.
Hiện giờ, ông Tuấn đang bị khởi tố vì tội danh vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là thời điểm được trao danh hiệu thì ông Tuấn có xứng đáng là công dân thủ đô ưu tú không?
Cho đến thời điểm này, các cơ quan liên quan đến việc quyết định trao danh hiệu công dân thủ đô ưu tú trong suốt 12 năm qua đều khẳng định việc xác nh, thẩm định không có sai sót, và những danh hiệu được trao đều hoàn toàn xứng đáng.
Vì thế, việc tước danh hiệu công dân thủ đô ưu tú năm 2016 của ông Tuấn là không hợp lý khi mà quy trình thẩm định xét tặng danh hiệu hoàn toàn hợp lệ.
Nhưng, nếu không tước danh hiệu của ông Tuấn, sẽ lại có một vấn đề được đặt ra: Chúng ta nên nhìn nhận thế nào về việc chứng kiến những công dân thủ đô ưu tú ở trong tù?
Từ câu hỏi này, chúng ta cần nhìn nhận một cách rõ ràng về các ý tưởng trao danh hiệu cá nhân. Việc định danh một con người bằng danh hiệu luôn có rủi ro bởi, như người xưa nói “không ai nắm tay đến sáng”.
Một con người hôm nay tốt, mai có thể xấu, do nhận thức, do hoàn cảnh thay đổi, hoặc thậm chí là không muốn làm người tốt nữa.
Vì thế, danh hiệu chỉ nên trao cho một người khi con người đó gắn với một hành động, một sự cống hiến xứng đáng được tưởng thưởng.
Những danh hiệu đó được dùng để nhắc nhớ về sự cống hiến của cá nhân, chứ không phải để định danh cho cuộc đời của họ. Một công dân ưu tú không thể chỉ đơn giản là anh, hay chị ta đã có một năm ưu tú, trong khi anh, hay chị ta sẽ còn rất nhiều năm để sống tiếp.
Danh hiệu công dân thủ đô ưu tú, vì thế chỉ nên dùng để trao cho những người đã đi qua cuộc đời, đã sống một cuộc đời với vai trò của một công dân với những phẩm chất ưu tú. Ông Tuấn không phải một người như thế, và hàng trăm con người từng được trao tặng danh hiệu công dân ưu tú trong suốt 12 năm qua, không ai dám chắc họ sẽ luôn ưu tú trong suốt phần đời còn lại của mình.
Từ câu chuyện bàn luận xung quanh việc có nên thu hồi danh hiệu công dân thủ đô ưu tú của những người vi phạm kỷ luật hay không, tôi nhớ đến việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã từ chối nhận danh hiệu công dân thủ đô ưu tú năm 2016 vì lý do anh không phải công dân thủ đô.
Năm 2016 có 10 người được trao danh hiệu công dân thủ đô ưu tú. Nhưng, là một công dân thủ đô, tôi chỉ nhớ được tên có 2 người trong số đó. Là bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, người đang được đề nghị thu hồi danh hiệu, và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người đã từ chối danh hiệu.
Công dân ưu tú là những người mà tên tuổi của họ nên được xã hội ghi nhớ bởi ấn tượng về sự ưu tú của họ. Nhưng những người được trao tặng danh hiệu công dân thủ đô ưu tú trong hơn một thập kỷ qua, có bao nhiêu người dân thủ đô ấn tượng với sự ưu tú của họ?
Tôi nghĩ, Hội đồng xét tặng danh hiệu công dân ưu tú nên suy nghĩ về câu hỏi này để có thể đưa ra kết luận về việc có nên duy trì danh hiệu, và cách xét chọn danh hiệu như hiện nay hay không.