Mua thuốc qua mạng tiền mất tật mang

Khi người bán dễ dàng, người mua cũng "dễ tính" thì hình thức bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội và livestream càng có nhiều cơ hội để trở nên phổ biến. Vấn nạn thuốc chữa bệnh được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng đã được nêu ra từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có "thuốc chữa".

Cứ lên mạng là gặp được dược sĩ, bác sĩ online. Ai cũng có thể tư vấn như đúng rồi bệnh tình của bệnh nhân chỉ bằng cách chat, nói chuyện qua điện thoại và sau đó bán thuốc với giá trị hàng triệu đồng.

Chuyện thật như đùa và không hiếm gặp này bắt nguồn từ việc từ lâu, nhiều người dân có thói quen tự mua thuốc điều trị. Trước khi mạng xã hội phổ biến thì người bệnh chỉ cần ra nhà thuốc kể tình trạng bệnh với người bán thuốc, từ đó mua các loại thuốc về để tự trị bệnh cho mình.

Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh, một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ thuốc có thể gây ra, hoặc theo lời quảng cáo, kinh nghiệm của bản thân và người xung quanh. Nhiều người còn lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc điều trị cho mình khi thấy các dấu hiệu bệnh tương tự.

Trong khi đó, mỗi cơ sở kinh doanh dược phẩm bán trực tiếp hay online đều nắm rất rõ, có một số mặt hàng thuốc khi được bán ra cần có sự chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, dường như quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Ở nhiều vùng nông thôn, người bán thuốc đôi khi không cần bằng dược sỹ, thậm chí người bán tạp hóa cũng bán kèm theo thuốc tây. Chủ các cơ sở bán thuốc muốn tối đa doanh thu, nên không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc, mặt khác, các chế tài xử phạt vi phạm trong việc bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.

Đã đến lúc cần có các giải pháp để tăng cường quản lý hình thức bán hàng này hiệu quả hơn, giúp bảo vệ sức khỏe người dân (Ảnh nh họa: Báo Tuổi trẻ)

Không chỉ người bán thuốc và người cần mua còn chủ quan với việc mua bán trực tiếp thuốc kê đơn mà ngay cả việc bán thuốc trên mạng, nhiều người cũng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, các hoạt động kinh doanh thuốc online hiện chủ yếu theo hình thức tự phát, không tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dược, quảng cáo và chưa thực sự có cơ quan nào kiểm soát.

Thực tế đòi hỏi cần sớm có các quy định rõ ràng hơn với loại hình kinh doanh này để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Bộ Y tế cần có quy định rõ ràng hơn đối với những danh mục sản phẩm, thông tin sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử.

Đối với các loại thuốc kê đơn cần có thêm chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo người dân không mua thuốc tràn lan

Với việc thiếu các quy định và chế tài cụ thể, lại khó có thể thanh kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm bán hàng qua mạng. Cộng với đó là các loại thuốc giả, kém chất lượng lợi dụng thị trường chung để trà trộn, lừa dối người bệnh.

Đây là kẽ hở của các quy định pháp luật hiện nay đòi hỏi cần sớm được bổ sung. Việc bổ sung những quy định này sẽ giúp đảm bảo giám sát được quy trình, chất lượng thuốc bán ra thông qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ những tài khoản bán thuốc không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội.

Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán thuốc. Vấn đề là đã đến lúc cần có các giải pháp để tăng cường quản lý hình thức bán hàng này hiệu quả hơn, giúp bảo vệ sức khỏe người dân.