Mua sắm online, đừng biến mình thành 'nô lệ'

Bạn là “thượng đế” đối với người bán hàng, nhưng cũng rất có thể trở thành “nô lệ” của tấm thẻ ghi nợ, khi thoải mái “quẹt” hết món này đến món kia, mà không kiểm soát xem, mình đã thâm thủng bao nhiêu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Thương mại điện tử ngày càng phát triển tạo cơ hội cho việc mua sắm dễ dàng hơn. Giờ đây nó không chỉ là một lựa chọn phổ biến, mà còn là thú vui, sở thích của nhiều người, thậm chí không thiếu những người “nghiện” mua sắm online.

Nhưng hiện đại thì cũng… hại nhiều! Những món đồ bắt mắt, những hiệu ứng đám đông và sự dễ dàng của các công cụ thanh toán, vận chuyển, đôi khi khiến chúng ta dễ rơi vào “bẫy” tiêu dùng. Hoặc bạn sẽ mua những thứ rất xa so với nhu cầu, hoặc sau khi dùng thử thì thấy không đáng “đồng tiền bát gạo”. Chưa kể, có những người phải nuốt “trái đắng”, bị lừa đảo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua sắm online.

Vì thế, đừng quên trang bị các kỹ năng cần có trước khi “đi chợ” trên mạng. Bạn nên tìm hiểu rất kỹ về sản phẩm/dịch vụ mình định mua và các đánh giá của khách hàng từng trải nghiệm trước đó, để cân nhắc, đối chiếu.

Hãy lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, sàn giao dịch điện tử uy tín. Bởi điều đó liên quan đến các cam kết về chất lượng hàng hóa dịch vụ, các chính sách sau bán hàng, cùng trách nhiệm giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình khách hàng mua và sử dụng. Khi thấy quyền lợi chính đáng của mình không được đảm bảo, bạn đừng ngại lên tiếng, trước hết là với chính đơn vị bán hàng, và sau đó là các hội bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương, để được bảo vệ.

Nhưng rủi ro về chất lượng chưa phải là tất cả những điều bạn cần lưu ý về mua sắm online. Bạn là “thượng đế” đối với người bán hàng, nhưng cũng rất có thể trở thành “nô lệ” của tấm thẻ ghi nợ, khi thoải mái “quẹt” hết món này đến món kia, mà không kiểm soát xem, mình đã thâm thủng bao nhiêu. Bạn toàn quyền trong mua sắm, nhưng có thểbị lệ thuộc vào những “trát” giao hàng không xác định rõ thời gian. Bạn cung cấp thông tin khi mua hàng, nhưng có thể thành “nạn nhân” của tin nhắn rác, cuộc gọi rác, của tội phạm mạng, khi thông tin cá nhân bị rò rỉ.

Và đơn giản nhất, mỗi lần mua sắm, mấy chục phút lướt xem, chọn hàng đặt hàng, rồi thêm mấy lượt điện thoại xác nhận, giao hàng, kiểm tra sản phẩm… đủ khiến thì giờ vàng bạc của bạn bị xé vụn. Ngay cả khi đồng nghiệp không than phiền, lãnh đạo không nhắc nhở, đó vẫn là điều rất nên tránh trong một môi trường công sở chuyên nghiệp, văn nh.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 17/9 tại đây: