Múa lân xin tiền và những biến tướng mùa Trung thu

Rất nhiều đoàn múa lân tới các địa điểm tập trung đông người biểu diễn, sau đó ngửa mũ xin tiền; có cả những phản ánh về việc phải trả tiền để được chụp ảnh ở phố Trung thu ngay giữa Thủ đô.

Những hoạt động biến tướng này là tự phát hay có tổ chức, và do ai quản lý?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Những ngày gần đây, nhiều người lên phố Hàng Mã, Hà Nội vui chơi không khỏi giật mình với những biển cấm chụp ảnh, nếu cố tình chụp sẽ bị chủ cửa hàng phạt tiền từ 10, 50 nghìn, thậm chí 100 nghìn đồng.

Theo quan sát của tôi tại tuyến phố này, đây chỉ là cách để các chủ cửa hàng hạn chế các du khách chụp ảnh gây tắc đường và cản trở công việc kinh doanh. Tuy nhiên, với cách thể hiện như thế này khiến rất nhiều người hiểu lầm là muốn chụp ảnh phải trả tiền, tạo ra một hình ảnh không đẹp ở chợ Trung thu truyền thống.

Không chỉ tại phố Hàng Mã mà ở nhiều nơi khác, những hình ảnh, hoạt động không phù hợp đang “đầu độc” trẻ em mùa trung thu. Người dân ở một chung cư tại Hà Nội phản ánh, thay vì là các chương trình văn nghệ phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, ban tổ chức chương trình mừng Tết Trung thu cho thiếu nhi ở khu chung cư này đã để các vũ công ăn mặc phản cảm trình diễn những tiết mục không phù hợp, khiến phụ huynh vô cùng bức xúc.

 

“Không hiểu ban tổ chức tổ chức nghĩ gì mà tổ chức cho các cháu đêm trung thu với những màn múa hát sexy như vậy. Những tiết mục này đến người lớn nhìn vào còn ngượng nữa huống chi là con trẻ. Khi thấy đoàn vũ công ra múa bụng, tôi phải kéo ngay con cháu rời xa khu vực sân khấu để khi kết thúc tiết mục mới đưa con quay trở lại tham dự”.

Một hoạt động khác cũng khiến nhiều người cảm thấy phiền toái là hàng loạt nhóm múa lân nghiệp dư đến các khu vực đông người hoặc các trục giao thông lớn, tràn cả ra đường để biểu diễn, sau đó ngửa mũ xin tiền. 

Các đoàn múa lân này thường di chuyển đến nhiều địa điểm, khuấy động không khí ở nhiều ngõ phố. Sau đó, một số thành viên trong đoàn có những hành động chèo kéo, xin tiền từ những người đi đường hoặc các hộ dân hai bên đường. 

Thậm chí, một số đội múa lân thường xuyên tập trung ở lòng đường, gây ùn tắc giao thông, làm mất an ninh trật tự. Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: 

 

“Ở một số địa phương có đội múa lân mang tính ngẫu hứng và tự phát, đội múa lân sau khi biểu diễn phục vụ nhân dân thì lại vào nhà dân xin tiền. Về cơ quan quản lý Nhà nước thì không cho phép việc tổ chức múa lân đi dọc các tuyến đường ở khu dân cư, đặc biệt chấn chỉnh việc xin tiền trong khu dân cư”.

Là đơn vị có chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô, ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, hoạt động múa lân ở các khu vực dân cư hoặc trên các tuyến đường giao thông không phải do đơn vị này tổ chức và không được phân cấp quản lý. Vì thế đây chủ yếu là các hoạt động tự phát do một nhóm người tổ chức vào dịp Trung thu.

>>> Hà Nội: Rồng rắn mua bánh trung thu truyền thống gây ùn tắc phố Thuỵ Khuê

TS. Đinh Hồng Hải, Viện nghiên cứu văn hoá - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, múa lân là một nét văn hóa đặc sắc vào dịp Lễ Tết và hoàn toàn không có hoạt động xin tiền kèm theo. Hiện tượng múa lân rồi ngửa nón xin tiền như hiện nay thực sự rất phản cảm, không đúng với truyền thống của hoạt động này. 

 

“Những nhóm múa rồi đi xin tiền, thậm chí có những cách xin tiền rất phản cảm thì đó là một sự trục lợi, là một sự biến tướng trong xã hội. Những nhóm mà không có yếu tố văn hóa truyền thống lại gây phản cảm thì cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn phải có sự chấn chỉnh để bộ mặt văn hóa tốt đẹp hơn”.

Để khắc phục những hoạt động biến tướng, gây ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa mùa Trung thu như vừa nêu, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng nhất là ngành văn hóa cùng chính quyền địa phương nên phổ biến, hướng dẫn tổ chức Trung thu sao cho an toàn, văn nh, ý nghĩa; đồng thời quyết liệt vào cuộc xử lý những hành vi sai trái, phản cảm để các em nhỏ có một mùa trung thu ý nghĩa. 

Được biết, cơ quan chức năng địa phương của huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh, xử lý tình trạng này. Trung tá Đào Đức Hiếu, Trưởng Công an Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: 

 

“Chúng tôi đã triển khai lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với các tổ dân phố để tuần tra, phát hiện các hành vi này để ngăn chặn. Hàng tối đều có lực lượng tuần tra, khi phát hiện tình trạng này sẽ xử lý theo quy định”.

Những biến tướng đang làm mất đi phần nào ý nghĩa tối đẹp vốn có của ngày Tết Trung thu

Nhiều năm gần đây, những biểu hiện biến tướng đã làm mất đi phần nào ý nghĩa tốt đẹp vốn có của ngày Tết Trung thu, và Trung thu ở một số nơi dường như tổ chức không phải vì con trẻ, thậm chí còn làm tổn thương các em. 

 

Trung thu cho ai?

Vỉa hè, ngay sát con đường vành đai xe tải xe công chạy rầm rập, một đám đông háo hức vây quanh sân khấu ngoài trời. Trong tiếng xập xình của điệu nhạc La tinh, một dàn các cô gái trẻ váy ngắn đủ để khoe hết chiều dài đôi chân, ra sức lắc hông lắc eo nhún nhảy. Nếu không có tấm phông: “Lễ hội trăng rằm trường mầm non A”, hẳn ít ai ngờ, đó lại là chương trình trung thu cho trẻ mẫu giáo.

Trong khi người lớn (cả người tham dự lẫn người đi đường hiếu kỳ dừng lại) say sưa chiêm ngưỡng các vũ công, tôi nhìn thấy sự ngơ ngác nơi ánh mắt những đứa trẻ. Có cháu ngoảnh ra nhìn xung quanh như tìm kiếm điều gì thú vị hơn, hoặc ngóng về phía khu chung cư bên kia đường, nơi có tiếng trống múa lân rộn rã.

Những sân khấu ngoài trời mọc lên nhan nhản dịp trung thu, khi thành phố ngày càng chật chội, không thu xếp nổi khoảng sân nhà văn hóa hay không gian công cộng để tổ chức trung thu. Và thế là, vỉa hè, lòng đường, góc phố, đâu đâu cũng có thể trở thành sân khấu.

Nguy cơ mất an toàn giao thông thường trực, điều đó không cần bàn cãi. Nhưng còn một khía cạnh khác, là an toàn cho tâm hồn, cảm xúc của trẻ thơ- “nhân vật trung tâm” của các lễ hội này, thì dường như chưa được lưu tâm trong khâu tổ chức.

Múa lân, múa rồng sẽ ra sao trong mắt trẻ em, nếu gắn với nó là hình ảnh những đứa trẻ khác ngửa nón xin tiền, sau mỗi vòng biểu diễn? Bố mẹ đưa đi xem, sẽ lý giải thế nào với con mình, về việc các gánh múa lân tranh nhau vào biểu diễn ở cùng một khu dân cư, có khi khúc mắc, gằm ghè nhau vì dành lượt, và mức độ nhiệt tình của các màn biểu diễn thì lại phụ thuộc vào độ đầy vơi của chiếc nón?

Rồi, những đứa trẻ mới lên tám lên mười trong gánh múa lân, trung thu với chúng là gì? Liệu có phải là mùa lao động cật lực, mùa kiếm tiền, gặt hái mầu mỡ nhất trong năm? Sự hồ hởi phấn chấn của chúng khi được khán giả cho tiền, có khiến những người làm mẹ, làm cha thấy lòng xát muối?

Mặc dù với sự đổi thay của cuộc sống hiện đại, trung thu bây giờ không chỉ là ngày tết của trẻ em, mà còn là dịp đoàn tụ, sum vầy. Nhưng ở thời nào, thì trẻ em vẫn là trung tâm của các hoạt động rằm tháng tám, vẫn là đối tượng mà mọi người cùng hướng tới với tất cả chăm chút thương yêu.

Song, cũng với sự đổi thay chóng mặt, những hoạt động tổ chức trung thu cũng đang dần trở nên méo mó, khi trẻ em chỉ là cái cớ để một trường tư thục nào đó muốn quảng bá chiêu sinh, khi một doanh nghiệp nào đó muốn phô trương trách nhiệm vì cộng đồng với mục đích làm thương hiệu. Hay tệ hơn, là những cá nhân, nhóm người lợi dụng dịp này để kiếm chác, biến những đứa trẻ thành các “thợ” múa lân, thu tiền về cho họ.

Hiện tượng đó đã manh nha từ lâu, và đang ngày càng có dấu hiệu nở rộ trong những mùa trung thu gần đây. Có thể một bộ phận phụ huynh đã nhận ra, và tự đưa con em mình lui khỏi những đám đông xô bồ ồn ã. Nhưng vẫn sẽ tiếp tục có thêm nhiều đứa trẻ bị tổn thương một cách vô hình khi tham dự các hoạt động trung thu được tổ chức theo cách này, với các lễ hội trăng rằm diễn ra khắp phố thị.

Và, khi để trẻ em bị tổn thương từ chính những hoạt động vì các em, dành cho các em được tổ chức công khai thì đó không còn là câu chuyện riêng của mỗi gia đình.