Một chương trình nhiều bộ sách: Phụ huynh đừng cuốn theo áp lực

Sự phát triển toàn diện của trẻ vẫn là quan trọng hàng đầu. Đọc thông viết thạo có ý nghĩa gì, nếu con trẻ thậm chí không có thời gian vui chơi, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội và tìm hiểu thế giới xung quanh?! 

Hãy chủ động điều tiết thời gian cho học tập, vui chơi, sinh hoạt của con theo cách mà bố mẹ cho là tốt nhất, phù hợp nhất với con mình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bìa cuốn Tiếng Việt 1 Tập một bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (phải). Ảnh: Vnexpress

Năm đầu tiên áp dụng “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đối với học sinh lớp 1, quá nhiều cái mới đang khiến cả thầy cô giáo và phụ huynh đều áp lực, lo âu.

Về phía giáo viên, do dịch bệnh, thời gian tập huấn cho chương trình mới không có nhiều, nên bản thân các thầy cô cũng rất lo: Lo không kịp tiến độ, lo trẻ không tiếp thu hết, lo thực hiện quy định của ngành, lo cân đối nguyện vọng của hàng chục phụ huynh, lo thành tích chung của lớp, … Vì thế, vẫn có những phiếu giao bài, vở luyện viết về nhà cho học sinh lớp 1, mặc dù việc này hoàn toàn bị cấm.

Còn phụ huynh, nếu không cho con làm bài thì sợ con bị phê bình, mà làm hết bài thì lo con không đảm bảo sức khỏe, khi tận 10h, 11h mới đi ngủ. Chưa kể, tiến trình nội dung giữa các bộ sách khác nhau có chỗ “vênh” nhau, khiến con “gãi đầu gãi tai”, bố mẹ lại loay hoay đi hỏi. Nhiều trẻ đã bắt đầu chán học, sợ học chỉ sau một tháng đến trường.

Sự điều chỉnh của ngành giáo dục và các nhà trường không thể diễn ra ngay lập tức, nhưng điều có thể thay đổi ngay, đó chính là cách tiếp cận vấn đề của chúng ta. Lớp một, các con mới chỉ chập chững làm quen với những con chữ đầu tiên, sẽ là quá sức con nếu bố mẹ đặt quá nhiều mục tiêu cho việc học.  Đừng để con sợ học ngay từ lúc mới bắt đầu, để rồi triệt tiêu động lực, ham thích tìm tòi của trẻ, và mọi nỗ lực nhồi nhét sau đó đều trở nên vô dụng.

Sự phát triển toàn diện của trẻ vẫn là quan trọng hàng đầu. Đọc thông viết thạo có ý nghĩa gì, nếu con trẻ thậm chí không có thời gian vui chơi, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội và tìm hiểu thế giới xung quanh?! 

Hãy thẳng thắn trao đổi với thầy cô về quan điểm giáo dục của gia đình, trên cơ sở chia sẻ với nhiệm vụ giảng dạy. Hãy chủ động điều tiết thời gian cho học tập, vui chơi, sinh hoạt của con theo cách mà bố mẹ cho là tốt nhất, phù hợp nhất với con mình.

Trẻ con sinh ra không phải để gánh tiếp những ước mơ giang dở của người lớn, cũng không phải để đạt thành tích của trường, của ngành. Vậy nên, đừng để những áp lực “đánh cắp” tuổi thơ con, chỉ vì chúng ta thụ động.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 5/10 tại đây: