Mô hình biến rác thải thành vốn

Trong khi nhiều nơi vẫn còn hành vi vứt rác bừa bãi và thiếu những mô hình khuyến khích thu gom rác đúng nơi quy định thì tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã thu về hàng trăm triệu đồng từ rác thải sinh hoạt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ  huyện Trần Văn Thời đã triển khai mô hình “Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” từ năm 2018 bằng việc thu gom rác, phế liệu để bán lấy tiền. Trong 36.000 hội viên phụ nữ, huyện đã vận động được 21.000 hội viên tham gia và trở thành mô hình điểm của Hội LHPN tỉnh Cà Mau về Phong trào phòng chống rác thải nhựa do TW Hội LHPN Việt Nam phát động.

Để hiểu rõ hơn về lợi ích kinh tế cũng như nâng cao “ý thức hệ” trong việc phòng chống rác thải nhựa, PV VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau:

PV: Mô hình “Biến rác thải thành vốn” của Hội LHPN huyện Trần Văn Thời chỉ bắt đầu từ số tiền đóng góp ít nhất 3.000 đồng/năm. Mà đến nay, ngân sách quỹ đã cán mức 370 triệu đồng, để dành hỗ trợ cho chị em phụ nữ có nhu cầu vay vốn sản xuất và trao học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn. Số tiền này đều là tiền bán rác thải và phế liệu. Xin bà Nguyễn Thị Thùy Linh thông tin thêm rằng, mô hình này bắt đầu từ việc trước tiên là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh:  Bắt nguồn từ việc đầu tiên mình tuyên truyền cho chị em về việc thu gom rác thải sau sinh hoạt vứt đi hoặc bỏ vào thùng rác. Nhưng phương án này không ổn. Sau đó chúng tôi hướng dẫn chị em phân loại, loại nào tái chế được thì bán, còn rác hữu cơ thì dùng bón cho cây. Hằng tháng đến kỳ sinh hoạt Hội thì chị em mang rác đến để bán ve chai.

Số tiền bán được góp vào quỹ Hội để dành mua bánh, nước để sinh hoạt cho các tổ, thăm hỏi hội viên khi có ốm đau.

Hội viên Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tập hợp rác thải nhựa bán ve chai

Sau đó nữa chúng tôi nhận thấy cần có thêm một mô hình nữa ý nghĩa hơn thì lúc đó xuất hiện ý tưởng “biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và “biến rác thải thành quỹ học bổng 20/10”. Từ đó, chị em hăng hái phân loại rác, bán lấy tiền ủng hộ 2 mô hình này và tăng cường tái chế rác thành bóng đèn, giỏ xách…

PV: Quỹ đóng góp 370 triệu mà chia cho 21.000 hội viên quả là không đủ. Vậy Hội cân đối ra sao để nguồn tiền này đến tay hội viên kịp thời và trao học bổng đúng lúc? Đặc biệt, đã có hội viên nào phát triển kinh tế ổn định từ đồng vốn hỗ trợ này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Mô hình học bổng thì Hội trao trung bình 150 suất/năm, mỗi suất 500.000 đồng. Mô hình hỗ trợ vốn thì Hội cho chị em vay với lãi suất 0.55%, lãi sẽ tiếp tục nhập vốn để xoay vòng hỗ trợ cho các chị em. Tùy vào mô hình làm ăn mà Hội hỗ trợ vay từ 10- 35 triệu đồng/hội viên.

Một sản phẩm được tái chế từ rác do Hội viên Hội LHPN huyện Trần Văn Thời làm.

Điển hình nhất là HTX Tinh bột nghệ Nhật Huy ở xã Khánh Bình được hỗ trợ 35 triệu để mua thêm máy móc, tạo công việc làm cho 6 chị em phụ nữ ở địa phương. Từ một hộ dân có kinh tế khá khó khăn mà chủ nhân của HTX Nhật Huy được hỗ trợ vốn đã vươn lên, sản phẩm bán chạy và đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận sản phẩm Tinh bột nghệ OCOP 3 sao.

PV: Ngoài lợi ích kinh tế và quỹ học bổng nhân văn thì cuối cùng, trong 6 năm, huyện Hội đã vận động chị em thu gom được bao nhiêu tấn rác?

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh:  Mục đích chính của 2 mô hình này là giúp nâng cao ý thức cho chị em trong việc bảo vệ môi trường. Kết quả đáng khích lệ là trong các năm, huyện đã thu gom được hơn 10.000 tấn rác thải.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh ( áo đỏ) trong một hoạt động trao học bổng từ quỹ học bổng 20/10 do Hội LHPN huyện Trần Văn Thời thành lập

PV: Rõ ràng, biến rác thải thành vốn là một điều rất dễ làm chỉ cần sự đồng lòng, đoàn kết. Xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Thùy Linh đã trò chuyện cùng chúng tôi và chúng tôi kỳ vọng mô hình của huyện Hội sẽ là một thí điểm được nhân rộng ở nhiều địa phương.