Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Ao hồ Hà Nội liên tục bị xâm hại

Nguyễn Yên: Thứ hai 07/10/2024, 21:07 (GMT+7)

Mặc dù Hà Nội đã có danh mục hơn 3 nghìn hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố, nhưng tới nay, nhiều ao, hồ vẫn đã và đang bị lấn chiếm, xâm hại. Từ đó gây ra rất nhiều hệ lụy về ngập lụt đô thị và ô nhiễm môi trường.

Mới đây nhất là việc hồ Đống Đa đã bị san lấp 6.500m² để thực hiện dự án cải tạo hồ đang gây đang gây xôn xao dư luận. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện phía bên ngoài hồ Đống Đa được quây rào tôn kín, xung quanh hồ đang được thi công và một phần mặt nước hồ dọc theo phố Hoàng Cầu đã được đổ đất, cát san gạt.

Đáng lưu ý là Hồ Đống Đa nằm trong danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp do UBND TP Hà Nội ban hành.

Mới đây hồ Đống Đa đã bị san lấp 6.500m² để thực hiện dự án cải tạo hồ

Mới đây hồ Đống Đa đã bị san lấp 6.500m² để thực hiện dự án cải tạo hồ

Mặc dù việc san lấp tại đây được lý giải là biện pháp tổ chức thi công nhưng nhiều người dân vẫn bày tỏ lo ngại việc san lấp sẽ ảnh hưởng lâu dài tới một phần diện tích mặt hồ:

"Tôi quan sát thấy phần diện tích mặt hồ bị chiếm dụng khá nhiều, tôi nghĩ rằng đây không phải là biện pháp thi công tối ưu nhất để làm sao đảm bảo diện tích hồ không bị lấp".

“Đất cát bị đổ xuống hồ rồi nên chúng tôi cũng lo lắng là có khi việc trả lại mặt hồ sau này sẽ bị lãng quên, một phần mặt hồ bị mất đi không thể lấy lại được".

"Tôi và mọi người đều mong muốn đơn vị thi công làm đúng tiến độ và sau đó phải trả lại đúng như cảnh quan ban đầu".

Thống kê trong giai đoạn vừa qua, nhiều ao, hồ của Hà Nội đã bị san lấp, lấn chiếm, thậm chí xóa sổ. Thực trạng này diễn ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau như đổ rác, phế liệu xuống hồ; đổ đất cát san lấp mặt bằng để xây nhà xưởng, công trình trái phép bên trên, và có cả những nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch, lấp ao hồ để xây dựng nhà cao tầng.

Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Viết Hùng cho biết, tình trạng xâm phạm ao hồ trên địa bàn diễn ra từ nhiều năm qua. Chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp như xây bờ kè, rào chắn bằng barie…, song vẫn gặp không ít khó khăn:

"Địa bàn Đại Mỗ vẫn còn nhiều diện tích đất nông nghiệp nên việc khớp nối hạ tầng còn nhiều khó khăn. Những hồ đã được kè rồi thì đang được ủy ban phường quản lý, bảo vệ. Đối với những hồ mà chưa được kè thì ủy ban phường đề xuất kè những hồ đó để đảm bảo giữ nguyên, đảm bảo cảnh quan môi trường sống".

Thống kê trong giai đoạn vừa qua, nhiều ao, hồ của Hà Nội đã bị san lấp, lấn chiếm, thậm chí xóa sổ.

Thống kê trong giai đoạn vừa qua, nhiều ao, hồ của Hà Nội đã bị san lấp, lấn chiếm, thậm chí xóa sổ.

Qua theo dõi, PGS. TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, đến nay, vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm nạn san lấp, lấn chiếm ao hồ. Trong khi thực tế cho thấy, đa số diện tích ao hồ bị san lấp thì rất khó khôi phục được hiện trạng như ban đầu. Do đó, cần những mạnh mẽ hơn để bảo vệ ao, hồ thủ đô không bị lấn chiếm:

"Diện tích mặt nước rất hiếm, giữ được nó rất quý, bằng mọi giá không được động đến. Phải tuân thủ theo quy hoạch, theo Luật, Hà Nội phải kiên quyết theo quy hoạch, đưa ra các quy định nghiêm cấm tuyệt đối không được xâm phạm nếu nằm trong quy hoạch rồi".

Trước mắt để bảo vệ diện tích ao, hồ đất đai còn lại trước nạn san lấp,  nhiều ý kiến cho rằng, cần một chế tài đủ mạnh để bảo vệ ao, hồ; phải có người đứng ra chịu trách nhiệm nếu chiếc ao hồ nào đó bị lấn chiếm, xâm phạm.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn