Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Nghề bảo tồn: Sao chưa thể gọi tên?

Vũ Loan: Thứ ba 01/10/2024, 14:25 (GMT+7)

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Để bảo tồn sự đa dạng sinh học này, nghề bảo tồn là một trong những công việc phù hợp với xu thế phát triển và cần nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam vẫn chưa được hiểu đúng cũng như chưa có quy định cụ thể trong hệ thống ngành nghề xã hội.

"Tôi kể 1 kỷ niệm vui là cái khu nhà tôi thuê làm văn phòng có viết tắt tên là Trung tâm Bảo tồn ĐDSH (đa dạng sinh học) thì người dân dịch không ra , nên dịch tên là Bảo tồn đồ dùng sinh hoạt" -  Đó là một câu chuyện vui, nhưng không giấu nổi ngậm ngùi mà Thạc sỹ sinh thái học Trần Hữu Vỹ, Giám đốc trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Greenviet, Đà Nẵng đã  kể về lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình nói chung, cũng như tên gọi của nghề làm bảo tồn thiên nhiên nói riêng. Hiện nay, khái niệm Đa dạng sinh học đã được truyền thông khá phổ biến trong luật, văn bản.

Tuy nhiên, công việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, gọi chung là nghề bảo tồn vẫn chưa có được những thông tin, quy định đầy đủ và chính thức trong hệ thống các ngành nghề, dẫn đến nhiều cách hiểu chưa đúng về công việc này.

"Đa số mọi người và các bạn trẻ chưa biết bảo tồn thiên nhiên làm cái gì, nhiều người còn lầm tưởng bảo tồn thiên nhiên cũng như là bảo vệ rừng, giống như các anh kiểm lâm. Về thực tế thì nghề bảo tồn thiên nhiên nó rất đa dạng, nên công việc thực tế của các nhà bảo tồn thiên nhiên cũng rất đa dạng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau."

"Bây giờ họ đều nhận thức cũng sai mà, là nghề bảo tồn là phải vào rừng, nếu không vào rừng thì không làm nghề bảo tồn được, nhưng thực tế bây giờ phần lớn là hoạt động nâng cao nhận thức, giáo dục, truyền thông , nếu mình làm tốt công tác bảo tồn ở đô thị, ở thành phố thì lúc đó mới bảo tồn được các sinh cảnh tự nhiên, chứ không phải vào trong rừng hay đi vùng sâu vùng xa mới là bảo tồn…."

Hoạt động trải nghiệm, truyền thông tại Trung tâm giáo dục thiên nhiên GreenViet, Sơn Trà, Đà Nẵng

Hoạt động trải nghiệm, truyền thông tại Trung tâm giáo dục thiên nhiên GreenViet, Sơn Trà, Đà Nẵng

Hiện các tổ chức bảo tồn phần lớn đang sử dụng nhân sự từ các trường lâm nghiệp, nông nghiệp với các chuyên ngành liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, song nhiều bạn trẻ lại chưa tiếp cận được mảng bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, công tác đào tạo khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam cũng đang còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thu Hiền, một người công tác trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã hơn 30 năm tại Việt Nam đánh giá:"Để mong muốn xác nhận thành một cái nghề thì khó nhưng rất mong muốn có sự quan tâm của Nhà nước làm chế độ chính sách cho người đi làm việc ở thực địa khó khăn hoặc làm công tác nghiên cứu đôi khi chả ai biết đến mình thì rất mong muốn là được chính sách của Nhà nước quan tâm chế độ tiền lương, phụ cấp để đáp ứng cuộc sống của họ."

Việc thu hút nguồn nhân lực trẻ vào lĩnh vực bảo tồn thực sự là một bài toán lớn, mà theo như Tiến sỹ Hà Thăng Long-Trưởng Văn phòng Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam – người đã nỗ lực nhiều năm qua trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học cho biết: 

"Thực tế là trong thời gian gần đây bọn mình khá là lo về chuyện nhân sự cho bảo tồn của Việt Nam vì các trường không có người theo học, không có một mã nghề cụ thể cho ngành gọi là nghề đi làm bảo tồn. Mình cũng đang có ý định hoặc là hợp tác với trường đại học để mở 1 khóa học ngắn hạn 6 tháng để họ hiểu hơn và nhiều kỹ năng hơn, hoặc là mình cũng đang có kế hoạch hợp tác với trường Đại học quốc gia HN, xây dựng một chương trình thạc sỹ về bảo tồn, cũng trao đổi với bên khoa rồi. Nhưng vì trong thực trạng chung của ngành thì họ sợ mở ra lại không có sinh viên, mà mở mã ngành ra mà không có sinh viên thì trong 3 năm lại phải đóng mã ngành lại. Vì mình hàng năm đều có tổ chức khóa tập huấn thì thấy rằng các khóa tập huấn 1 năm mà cỡ khoảng 20-30 người thì như muối bỏ bể, không có đủ."

Chà vá chân nâu - biểu tượng đa dạng sinh học tại Sơn Trà được bảo tồn thành công

Chà vá chân nâu - biểu tượng đa dạng sinh học tại Sơn Trà được bảo tồn thành công

Việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang là một xu hướng và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội vì nó liên quan tới biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, mà để giải quyết được vấn đề này, con người buộc phải  quay lại giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đó là bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn