Mải lo “hút” khách, nhiều bể bơi quên hướng dẫn, thiếu cảnh báo an toàn

Những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều bể bơi hiện đại được xây dựng mới tại các thành phố, đô thị lớn. Tuy nhiên, tại một số bể bơi còn thiếu các biển báo, các hướng dẫn cảnh báo an toàn cho trẻ em nên đã xảy ra không ít sự cố đáng tiếc.

Anh Hoàng Công Danh ở Hà Nội đến thời điểm mùa hè đang tới gần, nhưng vẫn còn nhiều lấn cấn, chưa đưa con đi bơi khi nhớ lại sự cố con trai đút tay vào ống tuần hoàn bể bơi khi tập luyện tại một bể bơi 4 mùa trên địa bàn quận Thanh Xuân 2 năm trước.

Mặc dù, thầy giáo đã nhanh chóng phát hiện nhưng phải mất chục phút sau nhân viên bể bơi mới tắt được thiết bị điện và rút được tay cháu bé ra ngoài.

'Tôi thấy rủi ro rất lớn. Chắc là hệ thống các bể bơi phải kiểm tra lại cái đó. Đề xuất đặt vị trí cầu dao ở đâu cho thuận tiện và khi xảy ra sự cố có thể ứng phó, hoặc ngắt được các đường điện đó để tránh gây ra những sự việc đáng tiếc', anh Danh cho biết.

Anh Nguyễn Đức Minh, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thường xuyên phải nhắc nhở con trai thực hiện tắm tráng và khởi động trước khi xuống nước.

Theo anh Minh, đa phần các bậc phụ huynh, trẻ em đều bỏ qua khâu này, trong khi nhiều bể bơi chưa có biển báo, hướng dẫn cụ thể: 'Hiện tại một số bể bơi không có biển báo gì cả, họ chỉ ghi độ sâu 1,6m, 1,8m và họ cũng không có biện pháp nào nghiêm cấm trẻ em không được ra khu vực sâu như vậy phòng chống nguy hiểm.

Ngoài ra, vấn đề khởi động họ cũng không khuyến cáo, không ghi cái gì cả'.

Theo một số phụ huynh, khi đến mua thẻ bơi cho con, đa phần các nhân viên bể bơi chỉ hướng dẫn sơ qua về vị trí bể bơi, phòng tắm, phòng thay đồ hoặc chào bán các gói dạy bơi mà không đưa ra những cảnh báo các khu vực, những rủi ro mất an toàn khi cho trẻ em bơi trong bể.

Điều này khiến các phụ huynh có tâm lý chủ quan, không lường trước những những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy ra. Không ít các phụ huynh đưa con đi bơi nhưng chủ yếu là ngồi trên bờ … lướt điện thoại.

Theo thầy Lê Đức Long, Trưởng Bộ môn thể thao dưới nước, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, nếu người dân, đặc biệt trẻ em không thực hiện tắm tráng, khởi động hay các quy định của nội quy bể bơi đều có thể đối mặt với những rủi ro về mất an toàn:

'Khi tham gia tập luyện các cháu có thể bị chuột rút, bơi quá sức, va đập vào các thành bể, va đạp vào những người bơi xung quanh. Đấy là các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn đuối nước cho các em.

Các bể bơi đều có người trực tuy nhiên số lượng người bơi đông, việc nhận biết đuối nước tương đối khó', thầy Lê Đức Long.

Thực tế cho thấy, đa phần các bể bơi vào mùa thường được cho các nhà thầu thuê lại để dạy bơi hoặc kinh doanh, nên nhiều nhà thầu chạy theo lợi nhuận, chưa chú trọng tới yếu tố an toàn. Mặt khác, sau 2 năm dịch bệnh với nhiều lần buộc phải đóng cửa, hoạt động duy tu, bảo trì bảo dưỡng các bể bơi chưa được chú trọng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên cứu hộ, nhân viên bể bơi còn bị cắt giảm, thiếu kinh nghiệm, người tập luyện còn chấp hành các nội quy bể bơi một cách qua loa, đối phó. Điều này có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Bể bơi thiếu những biển báo, hướng dẫn về các khu vực, hành vi nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Hải Hà

Từ đầu năm đến nay cả nước có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước, chỉ tính riêng đầu tháng 5 đã có tới 14 trẻ. Một số chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế các vụ đuối nước, các cơ quan chức năng, chỉ cho phép đưa vào hoạt động các bể bơi được thiết kế an toàn, có hệ thống biển cảnh báo, hướng dẫn an toàn.

Các bậc phụ huynh cũng cần trang bị các kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ, chủ động phòng ngừa, để mắt đến con em mình khi đưa các cháu đến bể bơi tập luyện.